Ngày con trai chào đời cũng là lúc chị Thảo rơi vào nguy kịch vì Covid-19. Cuối tháng 7, sản phụ được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175, chưa kịp nhìn mặt con trai. Chớp mắt gia đình nhỏ đã xa nhau gần 3 tháng.
Hai lần đặt ECMO, phổi đông đặc
Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), nhớ như in những ngày "đi trên dây" để điều trị cho chị Lê Thị Thanh Thảo (33 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM).
"Thảo là một trong những bệnh nhân sản khoa giữ nhiều kỷ lục nhất. Từng nhiều lần nguy kịch, tưởng chừng không thể qua khỏi, nhưng bằng sức mạnh phi thường, bệnh nhân vẫn sống, khỏe mạnh và chờ ngày xuất viện để gặp lại các con", bác sĩ Ân chia sẻ.
Giữa tháng 7, sản phụ Thảo được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi để điều trị Covid-19. Lúc này, thai nhi đã đến tuần 37. Ngày chuyển dạ, các y bác sĩ giúp chị vượt cạn ngay trong phòng mổ cách ly. Bé trai nặng 4 kg khỏe mạnh, âm tính với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, tình trạng chị Thảo không khả quan. Sau 9 ngày sinh con, sản phụ rơi vào nguy kịch, suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) cấp độ nặng.
Ngày 27/7, sản phụ được chuyển về Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ phải đặt ECMO cho chị để phổi và tim nghỉ ngơi. Đây cũng là ca đặt ECMO đầu tiên được thực hiện tại Trung tâm Điều trị người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Quân y 175 sau 10 ngày thành lập.
Với sự hỗ trợ của hệ thống ECMO, tình trạng sản phụ cải thiện tốt. Tuy nhiên, màng ECMO bị tắc sau 2 ngày, tình huống nguy kịch tương tự bệnh nhân 91. Ê-kíp nhanh chóng cấp cứu, thay màng lọc trong đêm.
Đến 10h ngày 11/8, các bác sĩ quyết định cai ECMO cho chị Thảo. "Cứ ngỡ rằng mọi chuyện êm xuôi, thế nhưng chỉ vài giờ sau đó, bệnh nhân lại rơi vào suy hô hấp, chúng tôi buộc phải đặt ECMO lần 2", bác sĩ Ân chia sẻ.
Lúc này, phổi bệnh nhân đông đặc nặng, tim giãn thất phải. Bác sĩ Ân nhận định đây là huyết khối phổi cấp tính, biến chứng hay gặp ở bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.
Giây phút chuẩn bị đặt ECMO cho chị Thảo, bác sĩ Ân bất giác nhớ đến một bệnh nhân Covid-19 trước đó. Tình trạng nặng tương tự chị Thảo, sau 27 ngày thở máy thì buổi tối trước ngày cân nhắc ra viện đột ngột diễn biến xấu, rồi tử vong.
"Khi phải đặt ECMO lần 2, thật lòng chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Chính nghị lực sống của bệnh nhân Thảo khiến chúng tôi cảm phục, thầm biết ơn chị đã mang đến động lực để chúng tôi tiếp tục công việc điều trị người bệnh", thượng tá Vũ Đình Ân nói.
Chị Thảo được điều trị theo phác đồ kết hợp an thần, giãn cơ. Hàng ngày, các y bác sĩ trực liên tục gọi tên, động viên chị dù bệnh nhân đang an thần. Hơn 2 tháng, điều kỳ diệu đã đến, bệnh nhân hồi tỉnh sau tiếng gọi "Thảo ơi, dậy đi".
Viện phí 2,3 tỷ đồng
Thượng tá Vũ Đình Ân cho biết bệnh nhân Thảo đã vượt qua 86 ngày điều trị tại trung tâm, trong đó có đến 61 ngày can thiệp ECMO. Nhiều lần tưởng chừng bệnh nhân không vượt qua được.
Điều đáng sợ nhất của thầy thuốc với bệnh nhân điều trị ICU dài ngày là nhiễm trùng bệnh viện, vi khuẩn đa kháng. Trong khi đó, chị Thảo nhiễm đến 4 loại vi khuẩn đa kháng, đồng thời nhiễm nấm.
"Nhiều ca vượt qua được giai đoạn Covid-19 cấp tính nhưng không qua khỏi ở giai đoạn nhiễm trùng. Bệnh nhân Thảo lại nhiễm gấp 3-4 lần bình thường", bác sĩ Ân kể lại.
Từ lúc đó, ê-kíp điều trị bắt đầu hành trình hội chẩn, tham khảo ý kiến chuyên gia đầu ngành về kháng sinh, kháng nấm, trong đó có TS Phan Thị Xuân (Bệnh viện Chợ Rẫy) và TS Nguyễn Phú Hương Lan. Cuối cùng, bệnh nhân Thảo được điều trị loại kháng sinh và kháng nấm thế hệ mới nhất.
"Dù cơ thể rất yếu ớt sau khi vượt cạn và nhiều lần đứng trước cửa tử, bệnh nhân vẫn cố gắng ngồi dậy ngay trong khi chạy ECMO, vẫn ăn uống đầy đủ. Cứ mỗi khi nói rằng con đang đợi ở nhà, bệnh nhân lại như được tiếp thêm sức mạnh", bác sĩ Ân nói.
Ngày 20/10, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức tiễn chị Thảo ra viện. Sau 86 điều trị, tổng viện phí của bệnh nhân này ở mức 2,3 tỷ đồng, chưa kể tiền giường. Theo quy định hiện tại, toàn bộ viện phí của bệnh nhân Covid-19 do ngân sách nhà nước chi trả.
"Đây là kỷ lục về thời gian nằm việc lâu nhất, viện phí cao nhất, thời gian chạy ECMO dài nhất và nghị lực sống cũng phi thường nhất mà chúng tôi gặp tại Trung tâm điều trị Covid-19 này", bác sĩ Vũ Đình Ân chia sẻ.
Anh Đặng Tiến Đạt (33 tuổi, chồng chị Thảo) kể lại những ngày vợ nhập viện, bản thân anh cũng là F0 nhưng may mắn nhẹ. Gia đình tạm ly tán, con trai lớn được ông bà nội chăm sóc. Con trai nhỏ mới sinh nhờ ông bà ngoại.
"Lúc bác sĩ gọi nói vợ ăn uống được, tôi như vỡ òa. Rồi sau đó lại như chết lặng khi bác sĩ thông báo vợ nguy kịch. Chưa lúc nào tôi sợ mất vợ như thế và cũng hồi hộp theo từng cuộc gọi của bác sĩ", anh Đạt tâm sự.
Ngày ra viện, chị Thảo tự dò đi từng bước chân ra khỏi khu điều trị Covid-19 và khóc khi nắm chặt tay chồng sau hơn 3 tháng xa cách.
"Mọi đau đớn như biến mất, hiện giờ trong tôi chỉ còn niềm mong nhớ gặp lại gia đình và các con", bệnh nhân chia sẻ.
Theo thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Điều trị Covid-19 của Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận gần 2.000 ca F0, trong đó có 70% là bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải thở máy và lọc máu.
Bệnh viện thực hiện can thiệp ECMO cho 12 bệnh nhân. Tất cả trường hợp phải can thiệp ECMO đều có viện phí tiền tỷ bởi chi phí cao, nhất là tốn kém tăng 200-300% viện phí cho các thuốc điều trị nhiễm trùng./ .