Theo đó, người dân mua thuốc BHYT ngoài viện có thể được cơ quan bảo hiểm hoàn tiền trong khoảng 40 ngày nếu đủ điều kiện.

Dự thảo được Bộ Y tế được xây dựng trong bối cảnh tình trạng thiếu thuốc kéo dài, để người dân đi khám, chữa bệnh bằng BHYT phải tự mua thuốc điều trị. Tuy nhiên, trong dự thảo đang lấy ý kiến này, nhiều ý kiến cho rằng còn gây khó cho người bệnh.

Như trường hợp ông Thành, ở Hà Nội, bị suy tuyến thượng thận phải điều trị bằng Hydrocortisone 10mg - sản phẩm nằm trong Danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, ông phải tự mua thuốc bên ngoài do Bệnh viện Nội tiết Trung ương không còn thuốc để cấp. Nhiều lần ông muốn được thanh toán tiền thuốc, song các cơ quan liên quan trả lời "chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán". Điều này khiến người bệnh thêm nặng gánh tài chính điều trị, dù đã mua BHYT nhưng cuối cùng "có cũng như không".

Sau khi biết sắp tới những trường hợp như mình có thể được BHYT thanh toán khi tự mua thuốc bên ngoài, ông Thành vui mừng, song bày tỏ nhiều băn khoăn. "Tôi mua thuốc rồi làm thủ tục thanh toán ở đâu? Khi nào nhận được tiền?", ông nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng khi trả lại tiền thuốc BHYT cho bệnh nhân mua thuốc ngoài, cần phải có cơ chế, quy định rõ ràng, để không đẩy cái khó khăn khi thanh toán cho người bệnh. "Loại thuốc nào được BHYT chi trả, giấy tờ nào, hóa đơn nào giúp chứng minh mua đúng loại thuốc, số tiền mua thuốc...?", một chuyên gia không muốn nêu tên cho hay, thêm rằng những thủ tục này nếu không đơn giản, rành mạch, sẽ khiến người dân bỏ cuộc, không dám đi lấy lại tiền.

ii-1702539499.jpg
Không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc trong phạm vi được hưởng. Ảnh: TTXVN

Trả lời những băn khoăn trên, ngày 13/12, bà Vũ Nữ Anh, Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, cho biết người dân cần mua thuốc đúng nơi quy định (tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh, hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực). Sau đó, người mua cần xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hóa đơn mua hợp lệ để làm căn cứ thanh toán.

Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí họ đã mua trong vòng 40 ngày.

"Về quy trình thanh toán, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có quy định cụ thể hơn trong dự thảo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh khi đi thanh toán", bà Anh nói, thêm rằng có thể áp dụng thanh toán trên nền tảng công nghệ thông tin để giảm thời gian, công sức.

Dù vậy, dự thảo này chưa quy định cụ thể thời điểm mua thuốc nào sẽ được thanh toán. Những người mua thuốc trước đây có thể sẽ không được thanh toán, chỉ áp dụng từ khi thông tư được ban hành, đại diện Bộ Y tế cho hay.

Hiện, dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhằm xin ý kiến của các cơ quan, ban ngành, người dân để hoàn thiện. Dự kiến, trong năm 2024, thông tư này được ban hành./.