Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi, với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại ĐBSCL.
Theo PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, hơn trăm triệu tấn phụ phẩm nông, lâm, thủy sản đang bị lãng phí dù chúng có thể bán lấy tiền, đặc biệt là biến thành phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Vấn đề nằm ở công nghệ, sản xuất khối lượng lớn. Tuy nhiên, thực hiện hiện nay, số lượng doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ ở Việt Nam không nhiều, sản xuất khối lượng thấp. Ngay công ty sản xuất phân bón hữu cơ lớn ở Việt Nam là Công ty Quế Lâm (Phú Thọ), mỗi năm cũng chỉ sản xuất khoảng 500.000 tấn phân hữu cơ.
Lý giải việc không nhiều doanh nghiệp mặn mà sản xuất phân hữu cơ dù có nguồn nguyên liệu vô cùng dồi dào từ phụ phẩm nông nghiệp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, điều này xuất phát từ lợi nhuận. Lợi nhuận từ sản xuất phân hữu cơ không lớn, trong khi sản xuất phân vô cơ lời nhanh và nhiều hơn. Phân hữu cơ lại cồng kềnh, đóng bao nặng, vận chuyển khó khăn. Chính vì thế, tình trạng chung trên thị trường phân bón hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ không cạnh tranh được với doanh nghiệp sản xuất phân vô cơ.
"Phân hữu cơ dinh dưỡng thấp nhưng rất tốt, cung cấp chất hữu cơ cho cây trồng, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn các trang trại chăn nuôi lợn thải phân ra môi trường sẽ tạo ra chất metan, gây phát thải khí nhà kính", ông Chín nói và đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ.
Theo đó, Nhà nước có thể dành một phần kinh phí trong quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ theo đúng quy trình, với khối lượng lớn, từ đó giúp giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Ông Chín thử làm phép tính: Công ty Quế Lâm mỗi năm sản xuất khoảng 500.000 tấn phân hữu cơ, chưa đầy 1% khối lượng vật chất có thể làm phân hữu cơ. Nếu được Nhà nước hỗ trợ, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất lượng phân hữu cơ chiếm khoảng 20% lượng vật chất có sẵn rồi tiến tới 50% và cao hơn dần lên thì mới có ý nghĩa.
Đối với việc sử dụng phân bón, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL lưu ý, phân hữu cơ lượng dinh dưỡng thấp, không đáp ứng đủ cho sinh trưởng của cây trồng, cho nên cần sử dụng hài hòa giữa phân hữu cơ và phân vô cơ để đạt hiệu quả cao nhất.
Nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu trong thời gian qua đã kết luận rằng lượng phân bón mà nông dân sử dụng cho lúa ở ĐBSCL đã vượt quá nhu cầu thực sự cần thiết của cây lúa , không riêng gì chất đạm mà cả chất lân, kali.
Do đó, theo vị chuyên gia, việc giảm lượng phân bón cho lúa là việc làm cần thiết cho tất cả các vụ lúa, các năm, ngay cả trong những năm bình thường giá phân bón không tăng cao như hiện nay.
Tuy nhiên, việc giảm lượng phân bón cần phải đi song hành với cách bón phân chôn dưới sâu mới đảm bảo giữ vững năng suất, giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận được.
"Nếu nông dân cứ rải phân bón tràn lan trên mặt đất thì sẽ lãng phí khoảng 30-40% do bốc hơi. Chất đạm Urea (NH4+) nằm trên mặt đất ruộng ở tầng oxid hóa sẽ biến thành NO3 sẽ trực di xuống tầng khử, bị phản nitrate hóa, biến thành N2, bốc hơi trở lại khí quyển. N2 là khí nhà kính rất mạnh, mạnh hơn metan (CH4) và CO2, gây hiệu ứng nhà kính rất nghiêm trọng, gây biến đổi khí hậu", PGS.TS Dương Văn Chín giải thích.
Bởi vậy, ông đề nghị Cục Trồng trọt phân công một vài cán bộ thuộc Cục tiến hành tổng hợp tất cả các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế các lợi ích về mặt sinh học, nông học, kinh tế và môi trường của bón phân chôn dưới sâu trên ruộng lúa để phổ biến rộng rãi cho tất cả các tỉnh có trồng lúa để các tỉnh phổ biến cho nông dân áp dụng, nhất là lúc chuẩn bị vụ Đông Xuân khi giá phân bón tăng cao này.
Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc trời ( LTARI ) thuộc Tập đoàn Lộc Trời đã có nhiều công trình nghiên cứu có phân tích thống kê khoa học về vấn đề này. Kết quả cho thấy, cách bón phân chôn 1 lần dưới sâu mang lại năng suất cao hơn so với mức sử dụng phân cao, bón trên mặt đất của nông dân.
Vì thế, trong khi chờ đợi tài liệu hướng dẫn cụ thể của Cục trồng trọt, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, bà con nông dân có thể áp dụng ngay kết quả nghiên cứu của Lộc Trời trong vụ Đông Xuân 2021-2022.
Ngoài giải pháp chôn phân dưới sâu, vị chuyên gia nông nghiệp cũng gợi ý phun Trichoderrma (chế phẩm Trico-ĐHCT-Lúa von) trên rơm rạ băm nhuyễn bằng máy gặt đập liên hợp để rơm rạ hoại mục nhanh làm phân bón lại cho ruộng lúa, tránh tình trạng đốt rơm rạ tràn lan, gây ô nhiễm môi trường.
"Có những ứng dụng khoa học công nghệ ở trong tầm tay, có lợi ngay cho người nông dân và xã hội, quan trọng là có áp dụng hay không", PGS.TS Dương Văn Chín nói./.