Đổi đời nhờ vốn vay ưu đãi
Hàng chục năm qua, gia đình ông Moong Văn Chun (bản Khánh Thành) ở xã biên giới Nậm Cắn và nhiều hộ khác ở bản vẫn luôn luẩn quẩn với đói nghèo. Bởi vì người dân nơi đây vẫn đang canh tác nương rẫy theo phương thức truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên để đủ ăn các gia đình phải rất cố gắng.

Năm 2018, thông qua sự khuyến khích và hỗ trợ của Hội Nông dân Kỳ Sơn, ông Chun mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển chăn nuôi tổng hợp. Với số tiền vay ban đầu, ông mua cặp dê sinh sản, rồi dần dà mua thêm được con bò, con lợn giống…

Sự chăm chỉ và được hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ hội nông dân, đến cuối năm 2022 gia đình ông Chun đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Giờ đây, gia đình ông sở hữu mô hình trại chăn nuôi gia súc quy mô hơn 200 con dê, 35 con trâu, bò, 22 con lợn và gần 300 con gà, vịt.

y-1677735071.jpg
Mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Chun phát triển từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Hồng Thơm

Cũng phát huy từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Lô Văn Pắn ở Bản Piêng Phô (xã Phà Đánh) đã khởi nghiệp thành công. Năm 2011, anh Pắn được hỗ trợ vay vốn ban đầu là 30 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Năm 2021, anh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư mô hình tổng hợp trồng cây làm chổi đót, kết hợp trồng cỏ voi nuôi trâu, bò, lợn, gà, ngan, vịt và hoa màu khác. Giờ đây, mô hình đã mang lại doanh thu khoảng 600 triệu đồng/năm.

Ở xã Mường Lống, gia đình anh Vừ Tồng Pó (bản Mường Lống 1) đã phát huy tốt nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thoát nghèo vươn lên thành hộ khá giả. Năm 2018, ông Pó đã vay 70 triệu đồng để mua máy ấp trứng, máy phát điện tạo cơ sở cung cấp giống gà đen bản địa cho toàn huyện.

Đến nay, gia đình anh Pó đã áp dụng khoa học công nghệ xây dựng thành công mô hình gà đen an toàn sinh học với quy mô máy ấp trứng công suất 1.000 trứng/lượt ấp, trên 1.000 con gà thịt. Mô hình này đã mang lại doanh thu từ 750 - 800 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi gà đen an toàn sinh học của gia đình anh Pó là tiền đề để thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đen đầu tiên của Kỳ Sơn và Hợp tác xã Du lịch và Nông nghiệp Mường Lống.

Được sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp Hội Nông dân và hướng dẫn kỹ thuật từ các chuyên gia của dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu. Năm 2022, anh Pó cùng với các thành viên Hợp tác xã đã xây dựng và bảo  thành công thương hiệu OCOP cho gà đen Kỳ Sơn.

yy-1677735093.jpg
Gia đình anh Vừ Tồng Pó là hộ đầu tiên áp ụng máy ấp trứng để sản xuất cung cấp giống gà đen trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hồng Thơm

Ngoài ra, anh Pó còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước. Với ý chí, nghị lực vượt khó, anh Vừ Tồng Pó vinh dự là 1 trong 7 nông dân tiêu biểu của tỉnh Nghệ An được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh, biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022.

Anh Vừ Tồng Pó chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi vừa thiếu vốn vừa thiếu kiến thức. Đời sống chủ yếu dựa vào phát nương làm rẫy, chăn nuôi truyền thống, rủi ro cao nên cứ loay hoay trong đói nghèo. Năm 2018, vay vốn với lãi suất thấp cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của chính quyền và Hội Nông dân, gia đình tôi đã giải quyết được khó khăn ban đầu để đầu tư phát triển chăn nuôi, xây dựng kinh tế. Nhờ đó đến nay gia đình tôi đã có của ăn của để. Vì vậy, gia đình tôi luôn chấp hành tốt việc trả lãi suất và trả nợ đúng hạn. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương đúng đắn quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số”.

Hơn 10.000 hộ dân được vay vốn

Với quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác: "Làm cho người nghèo thì đủ ăn; người đủ ăn thì khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm". Trong thời gian qua nhiều giải pháp tích cực để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân được triển khai.

Đặc biệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Ngân hàng Chính sách xã hội đã làm cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành “đòn bẩy” trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững.

m-1677735118.jpg
Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập huấn cho cán bộ, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Ảnh: Hồng Thơm

Nhờ đó, năm 2022, toàn huyện Kỳ Sơn có 5.239 hộ nghèo được vay vốn để phát triển sinh kế, 545 hộ vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, 707 hộ được vay làm nhà ở để an tâm lao động sản xuất... Điều này đã góp phần giúp 746 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 59,36% còn 54,36%.

Hơn 10.000 hộ đang vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội và nhiều gương điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong phát triển sinh kế, nguồn cổ vũ lớn lao người dân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn học tập, vươn lên.

Theo ông Ngô Minh Tú - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn, tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ thông qua uỷ thác toàn huyện Kỳ Sơn là 380 tỷ đồng, tăng gần 45 tỷ đồng so với đầu năm, tăng trưởng 13% so với 2021.

Hiện nay, toàn huyện hiện có 275 tổ tiết kiệm vay vốn thường xuyên được củng cố, hoạt động ngày càng có hiệu quả. 

Chất lượng tín dụng chính sách toàn huyện tăng lên rõ nét. Đến cuối năm 2022, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách toàn huyện đạt loại tốt, chất lượng hoạt động tại các xã khá đồng đều và được duy trì ổn định.

mm-1677735141.jpg
Ông Ngô Minh Tú - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn trao tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc năm 2022. Ảnh: Hồng Thơm

Nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội đã tiếp nguồn lực quan trọng cho hộ dân nghèo ở Kỳ Sơn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho hộ gia đình, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện.

Đặc biệt, quy mô kinh tế hộ gia đình, các trang trại, gia trại ngày càng được mở rộng, chất lượng sản phẩm nông sản ngày càng được nâng lên. Đồng thời tăng cường tính liên kết gắn với phát triển kinh tế tập thể, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu OCOP, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất và kết nối tiêu thụ các mặt hàng của địa phương.

Các sản phẩm nông nghiệp như: Gừng Kỳ Sơn, chè Tuyết Shan, bí xanh, mận tam hoa, đào, quả bo bo, bò vàng, dê núi, lợn đen, gà đen, dệt thổ cẩm, mây tre đan... đã và đang trở thành mặt hàng chủ lực của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện.

Theo Hồng Thơm - Báo Dân Việt