Mở rộng hướng biển
Theo ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP. Vinh, Thành phố sẽ mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị trong 3 năm tới hướng về phía biển, đây là chủ trương được căn cứ vào Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 52 và Quyết định số 827 của Thủ tướng Chính phủ.
Với mục tiêu sau khi mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị, TP. Vinh sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực, song song với phát triển kinh tế sẽ trở thành điểm nhấn phát triển đô thị của khu vực Bắc Trung bộ. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế không chỉ riêng của TP. Vinh mà còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế cho toàn tỉnh.
Ngày 9/8/2022, trên cơ sở phân tích, đánh giá, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất phương án mở rộng TP Vinh với việc sáp nhập thêm 6 xã, gồm các xã: Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái, Khánh Hợp thuộc huyện Nghi Lộc và toàn bộ thị xã Cửa Lò vào địa giới hành chính, không gian đô thị TP. Vinh để tiến hành các bước tiếp theo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thị xã Cửa Lò hiện có 7 đơn vị hành chính cấp xã, với tổng diện tích tự nhiên là 29,12 km2, số dân trên 57.445 người. Đối với 6 xã thuộc huyện Nghi Lộc được lựa chọn sáp nhập, có tổng diện tích tự nhiên trên 39,27 km2, với số dân trên 45.8787 người.
Đây là phương án được xem là phù hợp nhất với quy hoạch chung của TP. Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg. Đồng thời, theo nhận định, đánh giá thì số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã ảnh hưởng ít, số lượng cán bộ công chức dôi dư sau sáp nhập cũng ít nhất. Đặc biệt là liên quan trung tâm hành chính của huyện Nghi Lộc, sau sáp nhập sẽ không phải di dời, giảm đầu tư các công trình, hạ tầng.
“TP. Vinh đang nâng cấp, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng bằng cách tập trung ngân sách để đầu tư; kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn, đồng thời triển khai kế hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội gắn với các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại”, ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP. Vinh cho hay.
Trong góp ý về dự thảo quy hoạch tỉnh, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An cho rằng, về tọa độ ưu tiên, cần phát triển TP. Vinh là kết nối vùng, phát triển vượt trước, là trung tâm công nghệ cao và đào tạo chất lượng cao.
Vai trò hạt nhân - trung tâm trong liên kết được bắt đầu từ đô thị lõi TP. Vinh để gắn kết du lịch vùng và quốc tế, đặc biệt là với nước bạn Lào, Thái Lan; tập trung xây dựng các tuyến du lịch kết nối Vinh - Cửa Lò với các vùng trọng điểm du lịch trong tỉnh: Nam Đàn, Con Cuông, cửa khẩu Thanh Thủy...; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, hình thành thương hiệu du lịch TP. Vinh.
Thành phố cũng chú trọng phát triển các cơ sở lưu trú tại khu vực trung tâm TP. Vinh và thị xã Cửa Lò, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống khách sạn 5 sao, các khu nghỉ dưỡng; thu hút các dự án khu vui chơi giải trí tổng hợp, ẩm thực phía Nam, phía Tây Nam TP. Vinh; khu du lịch tâm linh kết hợp vui chơi giải trí tại khu Lâm viên Núi Quyết - Bến Thủy...
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, đây là phương án phù hợp với quy hoạch TP. Vinh mở rộng không gian đô thị theo hướng biển.
“Cởi trói” cho không gian đô thị
Đô thị Vinh sẽ phát triển theo mô hình “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”. Trong đó, tập trung phát triển trọng điểm du lịch Cửa Lò, hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Cửa Lò - Đảo Ngư; Phát triển các điểm du lịch, các khách sạn cao cấp, các Trung tâm lữ hành tại khu vực Vinh; Xây dựng, hình thành các tuyến du lịch tham quan và các tuyến du lịch sinh thái, khám phá Sông Lam - Núi Quyết.
Trong kế hoạch “cởi trói” cho không gian đô thị, thì Cảng hàng không Vinh được nâng cấp, và cải tạo nhà ga đường sắt hiện hữu; quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc và bố trí nhà ga đường sắt cao tốc tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.
Đường cao tốc Bắc - Nam nằm phía Tây thành phố sẽ có mặt cắt 8 làn xe rộng 100 m; bố trí điểm kết nối với đô thị tại giao điểm với trục Hưng Tây - Vinh - Cửa Lò. Mở rộng Quốc lộ 1A (đoạn Nam Cấm - Quán Bánh) và đoạn tránh TP. Vinh có mặt cắt ngang rộng 100 m; xây dựng đường ven biển đi qua Cửa Lò có mặt cắt ngang rộng 60 m. Nghiên cứu tiếp tục xây dựng các cầu qua sông Lam kết nối với huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Hệ thống bến xe khách liên tỉnh gồm: Bến xe phía Bắc tại xã Nghi Kim, bến xe phía Tây tại xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên), bến xe phía Nam tại xã Hưng Lợi.
Nghệ An cũng thu hút đầu tư, nâng cấp, mở rộng hoàn thành khu bến cảng Cửa Lò đáp ứng cho các tàu tổng hợp, container có tải trọng lớn từ 30.000 DWT-50.000 DWT và trên 50.000 DWT kết hợp bến du thuyền phục vụ phát triển du lịch; xây dựng cảng Cửa Hội là cảng cá của vùng, tiếp nhận cỡ tàu từ 400 - 1000 DWT.
Trong tương lai gần, TP. Vinh sẽ trở thành đô thị thông minh, trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ trên các lĩnh vực thương mại, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao. Đến năm 2045, TP. Vinh phát triển toàn diện, giàu đẹp, văn minh, hiện đại của cả nước, là một trong những cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
“Quy hoạch phải có tư duy đổi mới”
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Bản quy hoạch tỉnh phải có tư duy đổi mới, phát huy tối đa lợi thế, yếu tố cạnh tranh và hóa giải tối đa các hạn chế, bất lợi của tỉnh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tỉnh phải thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, trong đột phá về hạ tầng giao thông mà Nghệ An phải làm bằng được đó là: quy hoạch, nâng cấp, mở rộng sân bay Vinh; đầu tư cảng biển nước sâu Cửa Lò; tuyến đường bộ nối từ thị xã Cửa Lò - thành phố Vinh đi huyện Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư 3 dự án này trong năm 2022. Chính phủ tin tưởng, sau khi hoàn thiện các hạ tầng này, sức hút và tăng trưởng của Nghệ An sẽ tăng lên rất nhiều, tỉnh sẽ có đủ điều kiện để phát triển đột phá.
“Mở rộng không gian TP. Vinh phải tính đến tình hình thực tế”
- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung
Việc xây dựng Đề án mở rộng không gian TP. Vinh phải nằm trong phạm vị nghiên cứu của Quyết định số 52 ngày 14/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phải tính đến tình hình thực tế, điều kiện để thực hiện, truyền thống văn hóa - lịch sử của các địa phương để điều chỉnh hợp lý”.
“Phát triển đô thị, quan trọng là chất lượng”
- KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam
Về phát triển đô thị, cái quan trọng là chất lượng, là đô thị thông minh, chứ không phải là dài và rộng. Đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung những số liệu của quốc tế, những tác động của thế giới đến Nghệ An thông qua sân bay, đường cao tốc, đường sắt, cảng biển./.