Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1136/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão Noru (cơn bão số 4) do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương.

1-1664243415.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban thường trực.

Đà Nẵng gấp rút sơ tán người dân

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo hoàn thành sơ tán người dân vùng nguy hiểm trước 14h ngày 27/9; cho học sinh tạm nghỉ học từ chiều 26/9 và từ 12h ngày 27/9, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp... được nghỉ làm việc.

2-1664243443.jpg
Không để người ở lại trên tàu khi bão vào 

Trước đó, tại cuộc họp triển khai phòng chống bão số 4 của TP Đà Nẵng ngày 26/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua nên tất cả mục tiêu, giải pháp của thành phố là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người dân.

Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Công văn yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án, biện pháp phòng, chống mưa bão, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Quảng Nam: Chuẩn bị cơ sở vật chất để sơ tán 53.000 người vùng nguy cơ cao

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đến kiểm tra khu vực đập hồ thủy lợi Phú Ninh (huyện Phú Ninh), kiểm tra tình hình phòng chống bão khu vực phố cổ Hội An, công trình kè biển Cửa Đại (TP Hội An).

3-1664243471.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu cả hệ thống chính trị của Quảng Nam cần vào cuộc mạnh mẽ, sẵn sàng mọi phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro của bão

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu cả hệ thống chính trị của Quảng Nam cần vào cuộc mạnh mẽ, tích cực tuyên truyền nhân dân, sẵn sàng mọi phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro của bão. Đồng thời, đề nghị tỉnh chỉ đạo các lực lượng xung kích, tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, sẵn sàng tham gia khi có tình huống phức tạp nảy sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu từ tối 26/9, huy động tất cả phương tiện sẵn có như loa truyền thanh, truyền thanh lưu động, mạng xã hội… để thông báo cho dân biết mức độ nguy hiểm của bão, các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để ứng phó.

Đồng thời theo dõi, nắm tình hình triển khai sơ tán dân, rà soát các địa điểm sơ tán, bảo đảm các điều kiện nơi trú bão, lương thực, nước uống, vệ sinh, phương tiện sơ tán… hoàn thành trước 9h ngày 27/9. Các địa bàn miền núi, vùng có nguy cơ cô lập phải dự trữ sẵn lương thực, nhu yếu phẩm, nước uống.

Nhiều địa phương gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất để sơ tán 53.000 người vùng nguy cơ cao từ sáng 27/9. Tỉnh Quảng Nam cũng đã xuất hơn 220 tấn gạo cho các huyện vùng cao để cấp phát cho người dân.

Quảng Ngãi :Cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển

Tỉnh Quảng Ngãi đã cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại. Các chủ lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển đã khẩn trương di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. Tổ chức neo đậu tàu, thuyền, lồng bè đảm bảo an toàn tại nơi neo trụ; chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.

4-1664243519.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đi kiểm tra công tác sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào trú tránh bão tại cảng neo trú Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đi kiểm tra công tác sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào trú tránh bão tại cảng neo trú Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi). Hiện tại cảng này có 350 tàu thuyền đã neo đậu an toàn và bảo đảm 100% sức chứa của cảng.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, trên toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 5.133 tàu vào neo đậu tại các bến. Tỉnh đã hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền trước 10 giờ sáng 26-9 và bắt đầu cấm mọi hoạt động trên biển từ 12 giờ cùng ngày.

Bình Định: Bố trí tàu, ca no sẵn sàng thực hiện công tác ứng phó với bão Noru

Tỉnh Bình Định đã triển khai công tác ứng phó bão theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất; đồng thời kích hoạt phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Ngoài việc khẩn trương di dời dân ở các khu vực nguy hiểm, Bình Định còn rà soát các khu du lịch ven biển, thông tin kịp thời, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có phương án ứng phó và di dời khách du lịch đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát phương án di dời dân, có phương án cụ thể cho trường hợp thiên tai ở cấp độ 4 và rà soát toàn bộ nhà cấp 3, cấp 4 nguy cơ cao. Các địa phương phải chủ động phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong tình hình bị chia cắt.

5-1664243548.jpg
 Nhiều tàu cá của ngư dân thị xã Hoài Nhơn đã vào khu neo đậu an toàn.

Đại tá Nguyễn Trung Hà, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đang bố trí 4 tàu, 10 ca nô và 8 xuồng chèo cùng 110 cán bộ, chiến sĩ trực sẵn sàng khi có lệnh, mở đài canh 24/24 để thực hiện công tác ứng phó với bão.

Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 1.253 phương tiện/ 8.771 lao động đã di chuyển tránh vùng nguy hiểm của bão số 4. Hiện còn 34 tàu cá/238 lao động của tỉnh đang trên đường chạy vào bờ./.