Ngày 28/12, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội "Hành hạ người khác".

Cảnh sát cho rằng, trong thời gian dài, Trang đã hành hạ bé N.T.V.A. (8 tuổi, con riêng của chồng sắp cưới) tại chung cư Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh) khiến cháu bé tử vong ngày 22/12.

be-gai-8-tuoi-bi-bao-hanh-tu-vong-khoi-to-bi-can-ve-toi-hanh-ha-nguoi-khac-lieu-co-qua-nhe-1-1640694628.jpg
Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang.

Trao đổi với PV Infonet về vụ việc, luật Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Hà Nội) nêu quan điểm: “Việc khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội "Hành hạ người khác" là quá nhẹ với các hành vi mà bị can này đã thực hiện”.

Tuy nhiên, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh ra quyết định khởi tố bị can về tội "Hành hạ người khác" theo quy định tại Khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự (BLHS) là quyết định khởi tố ban đầu.

Trong quá trình điều tra, nếu xét thấy có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can có dấu hiệu của tội phạm khác thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự".

be-gai-8-tuoi-bi-bao-hanh-tu-vong-khoi-to-bi-can-ve-toi-hanh-ha-nguoi-khac-lieu-co-qua-nhe-1640694651.jpg
Gậy gỗ mà bị can Trang dùng để đánh con riêng của chồng sắp cưới. (Ảnh: Zing.vn)

Theo quan điểm của luật sư, để đánh giá đúng hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang, cần phải căn cứ vào kết luận giám định của cơ quan chuyên môn nguyên nhân dẫn tới cái chết của cháu bé.

Theo thông tin đến thời điểm hiện tại về vụ việc, kết quả pháp y xác định bé gái bị phù phổi cấp và trên người có nhiều vết bầm. Như vậy, có thể thấy việc cháu bé bị tử vong có sự tác động ngoại lực gây nên. Có thể trường hợp tử vong của cháu không phải do hành vi của đối tượng trực tiếp đánh cháu gây tử vong, nhưng nó lại là nguyên nhân gián tiếp gây ra trong suốt thời gian dài với những biến chứng trong cơ thể dẫn tới hậu quả cháu bé tử vong.

Do đó, trong trường hợp này, nghi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

"Ở đây, cần phân biệt với tội "Giết người" khi hậu quả chết người xảy ra là do hành vi sử dụng vũ lực tác động trực tiếp gây nên thì theo lý luận tội phạm sẽ thuộc trường hợp "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Đối với tội "Hành hạ người khác" được hiểu là các hành vi gây đau đớn về thể xác chỉ là những thương tích nhẹ chưa đến mức đáng kể để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" hoặc "Cố ý gây thương tích" theo Điều 123, 134 Bộ luật Hình sự.

Xét hành vi phạm tội của nghi phạm đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, đặc biệt là trẻ em…, hành vi phạm tội của nghi phạm trong cùng một thời điểm đã xâm phạm đến nhiều khách thể Bộ luật Hình sự điều chỉnh, đó là quyền được bảo hộ sức khoẻ, tự do, danh dự của người bị lệ thuộc và tính mạng, sức khỏe của con người.

Về nguyên tắc, khi định tội danh, cần áp dụng khách thể cao nhất để xử lý người phạm tội. Trong vụ việc này, cháu bé 8 tuổi bị bạo hành tử vong thì cần thiết phải áp dụng khách thể cao nhất bị xâm phạm là tính mạng, sức khỏe của cháu bé", luật sư phân tích.

Ông Thơm nhấn mạnh quan điểm: “Cần thiết phải xử lý nghi phạm về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng bản chất và lý luận pháp luật, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, mang lại niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật”

Theo luật, Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", hậu quả làm chết người thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm.

Nói về hành vi, trách nhiệm của người bố, luật sư Thơm cho rằng: "Cơ quan công an cần phải điều tra thêm và xác định hành vi của người này xem có tội hay vô tội".

Cùng trao đổi với PV Infonet về vụ việc chấn động này, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hoà (Hà Nội) xót xa chia sẻ: "Bạo lực gia đình, trong đó liên quan đến bạo hành, ngược đãi trẻ em trong những năm qua có nhiều vụ việc hết sức thương tâm và gây phẫn nộ trong xã hội; đặc biệt là mẹ kế, cha dượng ghẻ lạnh, hắt hủi, đánh đập, tra tấn con riêng của vợ hoặc chồng giống như trường hợp này. Đã có những vụ việc dẫn đến các em tử vong do nạn bạo hành gia đình được báo chí đưa tin rầm rộ, thế nhưng tình trạng này chưa khi nào có dấu hiệu suy giảm".

"Đối với hành vi bạo hành cháu bé bằng roi mây và gậy gỗ của Nguyễn Võ Quỳnh Trang và những tình tiết thu thập được, nếu cơ quan điều tra làm rõ chứng cứ thì có thể khởi tố bị can tội "Giết người" với khung hình phạt nghiêm khắc hơn, từ chung thân tới tử hình”, luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.

"Với tư cách là một luật sư, theo quan điểm và cách nhìn nhận của tôi về vấn đề này, tôi mong muốn cơ quan Tòa án xét xử đưa ra mức phạt cao nhất trong khung hình phạt cho bị cáo trên. Vì bạo hành trẻ em giống như một tội ác khó dung thứ, khi mà nạn nhân chỉ là những đứa trẻ non nớt, vô tội.

Bạo hành không chỉ ảnh hưởng tới thân thể mà còn tạo ra tâm lý trầm cảm, sợ hãi và tự ti cho các bé, sự phát triển của trẻ ngày một lệch lạc hơn khi chúng không được định hướng đúng đắn. Và rất có thể, sau này khi lớn lên, chúng cũng sẽ lại trở thành những kẻ vũ phu, những kẻ bạo hành người khác…

Bản thân những người bạo hành ngoài việc bị xã hội lên án hay chính lương tâm họ bị căn rứt thì pháp luật cần phải trừng trị một cách nghiêm ngặt trước những hành động nhẫn tâm như vậy", luật sư Hoàng Tùng bày tỏ./.