photo1648558050979-16485580511881770517402-1648560614.png

Tối 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết đang tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (HNX: ART) và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Chứng khoán BOS do lãnh đạo FLC làm đại diện pháp luật

Trong báo cáo thị phần từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS không có tên trong top 10 các công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất. Tuy nhiên, BOS lại có sân sau hoành tráng.

Cụ thể, BOS đang có người đại diện pháp luật là bà Hương Trần Kiều Dung, giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS. Đáng chú ý, bà Dung cũng đang là Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC.

huong-tran-kieu-dung-16485576791761017606600-1648560643.jpeg
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC, đang kiêm chức Chủ tịch Chứng khoán BOS.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh giữ vị trí tổng giám đốc, được công ty giới thiệu là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị tài chính và chứng khoán. Bà từng đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS), Giám đốc Kinh doanh Quốc tế - Thị trường chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhật Bản (JSI)... Bà Quỳnh Anh tốt nghiệp Thạc sĩ Tài chính tại Đại học Jean Moulin Lyon 3 (Pháp).

Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Tầng 25, Tòa nhà văn phòng 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Đây là địa chỉ của tòa tháp Bamboo Airways Tower (FLC Twin Tower), nơi đặt văn phòng của Tập đoàn FLC.

Trước khi được đổi tên như hiện nay vào tháng 7/2019, BOS mang tên Công ty Cổ phần Chứng khoán Artex. BOS cung cấp dịch vụ tài chính chứng khoán cho các nhà đầu tư riêng lẻ cũng như các tổ chức, định chế tài chính chuyên nghiệp. Khách hàng mục tiêu gồm các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, xây dựng, bất động sản, ngân hàng, giải trí truyền thông, năng lượng...

Giới thiệu này tương đồng với ngành nghề kinh doanh trên giấy phép của BOS là Môi giới hợp đồng hàng hoá và chứng khoán, chi tiết: Môi giới chứng khoán; môi giới chứng khoán phái sinh.

Báo cáo tài chính của Chứng khoán BOS có gì?

Dữ liệu công khai trên Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp cho biết, công ty chỉ có hai lần bố cáo đăng ký thay đổi. Ngày 30/6/2021, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS đăng ký bổ sung tên tên công ty bằng tiếng nước ngoài và tên công ty viết tắt.

Trước đó 9 ngày, ngày 21/6/2021, BOS bố cáo bà Hương Trần Kiều Dung vào chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị công ty và bổ sung thông tin về cổ phần công ty. Theo đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS có 96,9 triệu cổ phiếu, mệnh giá mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng. Tương ứng vốn điều lệ 969 tỷ đồng, nguồn vốn tư nhân chiếm 100%, không có vốn nước ngoài.

Báo cáo tài chính quý IV/2021 cho hay tại ngày 31/12/2021, BOS có tài sản tài chính hơn 1.100 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả ngắn hạn 13,9 tỷ đồng, tăng khoảng 2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giữa đầu và cuối năm 2021 tăng 30 tỷ đồng.

Doanh thu quý 4/2021, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là 5,5 tỷ đồng. Khoản mục này hồi quý IV/2020 là âm hơn 22 tỷ. Lũy kế cả năm 2021. FVTPL đạt gần 9,8 tỷ đồng. Doanh thu, dự thu cổ tức, lãi tiền gửi ngắn hạn không cố định gần 920 triệu đồng, tăng 42 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020.

chung-khoan-bos-16485579942301723133258-1648560675.jpg
Tại Đại hội đồng cổ đông Chứng khoán BOS năm 2021 có bà Kiều Dung (giữa) ngồi chủ tọa. Ảnh: BOS.

Lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2021 của BOS là 33,8 tỷ đồng, tăng 32 tỷ đồng so với năm 2020. Thu nhập thuần trên cổ đông năm 2021 là 491 đồng/cổ phiếu, 2020 là âm 1.163 đồng.

Tuy nhiên, tiền thu bán chứng khoán môi giới của công ty quý IV/2021 chỉ 1.300 tỷ đồng, rất thấp so với 4.500 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2020. Dự phòng phải thu khó đòi của BOS tại ngày 31/12/2021 là 29 tỷ đồng, con số không thay đổi so với cả năm 2020 và 2021.

Báo cáo tài chính này do Tổng Giám đốc Nguyễn Quỳnh Anh ký.

Kết phiên giao dịch hôm nay, mã chứng khoán của BOS (ART) mất 0,6 điểm (tương đương 5,83% giá trị) còn 9.700 đồng/cổ phiếu. Mã này hòa chung sắc đỏ với các cổ phiếu cùng họ FLC./.