Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã khiến bất ổn tại quốc gia Nam Á này leo thang và khiến các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc lo ngại.
Ở Mỹ, có nhiều quan điểm cho rằng, Trung Quốc sẽ lấp chỗ trống mà Mỹ để lại ở Afghanistan. Điều này chủ yếu xuất phát từ chương trình hợp tác và đối thoại 3 bên Trung Quốc-Pakistan-Afghanistan khởi động từ năm 2017.
Trung Quốc mất lợi ích khi Mỹ rút khỏi Afghanistan
Những động thái gần đây của Trung Quốc ở Afghanistan dường như trái ngược với những lo ngại từ phía Mỹ.
Kể từ cuối tháng 5 vừa qua, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tục kêu gọi công dân nước này rời khỏi Afghanistan.
Những chỉ trích của Trung Quốc về việc Mỹ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan cũng phần nào cho thấy sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan giúp ích cho việc đảm bảo lợi ích của Bắc Kinh tại đây.
Trong suốt thời gian Mỹ triển khai các nhiệm vụ quân sự ở Afghanistan, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận đầu tư lớn với chính quyền Kabul, bao gồm thỏa thuận mỏ đồng Mes Aynak và các thỏa thuận về dầu mỏ. Nhưng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, quyết định của Mỹ rút toàn bộ lực lượng đã khiến các cuộc tấn công bùng nổ khắp đất nước Afghanistan. Trung Quốc đã buộc phải đưa công dân của mình về nước và giảm quy mô hiện diện tại đây trong bối cảnh tình hình an ninh đang xấu đi.
Các chiến dịch của Taliban ở miền Bắc Afghanistan, đặc biệt là vùng Badakhshan ở biên giới Afghanistan - Trung Quốc, đã khiến Bắc Kinh lo ngại.
Hợp tác chống khủng bố là cốt lõi của mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Kabul. Trung Quốc hỗ trợ tài chính, huấn luyện quân đội, lữ đoàn miền núi và tuần tra biên giới cũng nhằm tăng cường năng lực của các lực lượng Afghanistan trong việc đảm bảo an ninh cho lợi ích của Trung Quốc tại nước này.
Việc Taliban kiểm soát phần phía Bắc Afghanistan đã buộc Trung Quốc phải điều chỉnh các thỏa thuận an ninh và các sáng kiến kinh tế, vốn đã thông qua kênh của chính phủ Kabul.
Taliban gần đây đã trấn an Bắc Kinh rằng họ sẽ đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư Trung Quốc ở Afghanistan và cũng không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Cam kết của Taliban với Bắc Kinh phù hợp với các điều khoản trong Thỏa thuận Doha rằng Taliban sẽ không cho phép bất kỳ cá nhân và thực thể nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan chống lại các quốc gia khác. Cam kết này cũng giống như cách mà Taliban đã đảm bảo với Nga về việc sẽ không gây ra mối đe dọa nào đối với các quốc gia Trung Á.
Tuy vậy, những động thái đó cũng chưa chắc đảm bảo Taliban sẽ hành động chống lại các nhóm vũ trang gây bất lợi cho lợi ích của Trung Quốc nhất là khi Taliban cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ của các nhóm này trong tình hình hiện nay.
Những yếu tố cản bước Trung Quốc
Một số tờ báo của Trung Quốc cho rằng nước này sẽ gia tăng ảnh hưởng kinh tế ở Afghanistan sau khi Mỹ rút lui. Điều đó là rõ ràng khi Afghanistan từ lâu đã là mục tiêu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Đối thoại ba bên giữa Bắc Kinh, Islamabad và Kabul vào năm 2019 cũng khẳng định cam kết của các nước này trong việc thúc đẩy quan hệ khu vực.
Cuộc đối thoại gần đây nhất vào tháng 6 vừa qua đã khẳng định cam kết Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan sẽ thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ BRI. Để hỗ trợ kết nối khu vực, Afghanistan cũng bắt đầu xây dựng một tuyến đường trị giá 5 triệu USD liên kết với Trung Quốc qua Hành lang Wakhan.
Tuy nhiên, trên thực tế, các khoản đầu tư kinh tế của Trung Quốc ở Afghanistan không đạt được hiệu quả như mong muốn. Trước đây, các dự án đầu tư của Trung Quốc chủ yếu được thu xếp qua chính quyền ở Kabul và tập trung vào ngành khai khoáng - điển hình là dự án mỏ đồng Mes Aynak từ năm 2008 và trong ngành năng lượng - như sự phát triển của các mỏ dầu ở lưu vực Amu Darya kể từ năm 2012. Dù vậy, cả 2 “siêu dự án” này đã bị đình trệ và được gọi là “thất bại kinh hoàng”.
Ở phía Afghanistan, việc Trung Quốc đầu tư vào nước này cũng không mang sự phát triển hay lợi nhuận như kỳ vọng do các mối đe dọa an ninh, cơ sở hạ tầng yếu kém, cũng như cấu trúc quản trị phi tập trung của nước này.
Sự tiến quân của Taliban trên khắp Afghanitsan đã làm ảnh hưởng xấu tới các điều kiện cơ bản và khiến Trung Quốc do dự khi mở rộng đầu tư vào nước này.
Trong khi đó, do Afghanistan ủng hộ Ấn Độ trong mối quan hệ căng thẳng với Pakistan, Trung Quốc cũng chỉ có những ảnh hưởng hạn chế với chính phủ Afghanistan thông qua Pakistan.
Cho dù Taliban trở lại nắm quyền, bằng chiến dịch quân sự hay bằng các cuộc đàm phán hòa bình, thì sự can dự kinh tế của Trung Quốc ở Afghanistan cũng sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trên thực tế.
Nền kinh tế tư nhân hóa, phi tập trung của Afghanistan đòi hỏi sự tham gia của các mạng lưới tôn giáo và dân tộc địa phương, khiến Trung Quốc gặp nhiều rào cản. Trong khi đó, hoạt động của các công ty nhà nước của Trung Quốc trong một xã hội do Taliban thống trị trong tương lai vẫn chưa được thử nghiệm.
Vụ sát hại 11 công nhân Trung Quốc ở miền Bắc Afghanistan năm 2004 và vụ 9 công dân Trung Quốc thiệt mạng ở Pakistan trong tháng 7/2021 cho thấy những rủi ro an ninh khi làm việc ở khu vực Afghanistan-Pakistan.
Mỹ có thể rời khỏi Afghanistan, nhưng Trung Quốc chắc chắn không muốn thế chỗ. Việc chính phủ Trung Quốc kêu gọi công dân rời khỏi Afghanistan sau khi Mỹ rút quân cho thấy mối liên kết giữa sự hiện diện quân sự của Mỹ và lợi ích của Trung Quốc ở Afghanistan.
Bất chấp những lợi thế của của Taliban trên thực địa và cùng những lời kêu gọi của lực lượng này đối với đầu tư Trung Quốc, bối cảnh quân sự và chính trị hiện tại vẫn chưa phải là điều kiện lý tưởng để Trung Quốc có thể vào cuộc và giành được lợi ích thực sự ở Afghanistan./.