Trong dự thảo gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các bộ, ban, ngành, địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế cho biết, việc công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam có thể cân nhắc khi WHO công bố hết đại dịch.
WHO đang coi bệnh COVID-19 trong tình trạng đại dịch trên phạm vi toàn cầu và quan ngại tiếp tục có biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn ghi nhận diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.
Trong khi virus SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới và chưa phải là biến thể cuối cùng, thậm chí có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Tuy tỷ lệ tử vong giảm nhiều so với giai đoạn trước (tỷ lệ chết/mắc giảm mạnh từ 1,03% trong tháng 1/2022 xuống còn 0,06% trong tháng 5/2022) nhưng vẫn ghi nhận và xuất hiện trường hợp bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị.
Trường hợp xuất hiện biến thể mới, khiến ca bệnh và tử vong tăng, bùng phát diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Lúc này, kích hoạt đáp ứng với các biện pháp y tế, xã hội sẽ trở nên bị động.
Nếu công bố hết dịch, nhân viên y tế tham gia chống COVID-19 không được hưởng phụ cấp chống bệnh truyền nhiễm nhóm A. Người bệnh cũng không được chi trả điều trị COVID-19, đặc biệt là người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận y tế.
Đặc biệt, trong trường hợp Việt Nam công bố hết dịch, sẽ không có cơ chế áp dụng đặc thù với vaccine COVID-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp. Việc này dẫn tới khả năng huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, tổ chức, doanh nghiệp sẽ khó khăn, người dân không được quan tâm đúng mức. Thậm chí, người dân sẽ chủ quan, lơ là trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, không thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch.
Do đó, thời điểm này chưa thể công bố hết dịch với COVID-19. Bộ Y tế cũng đề xuất, trong thời gian chưa công bố hết dịch COVID-19, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch, nhất là nơi đã kiểm soát tốt dịch với số mắc, tử vong ở mức thấp trong thời gian dài và khả năng đáp ứng tốt, sẽ thực hiện đánh giá ngưỡng kiểm soát dịch theo các tiêu chí để quyết định các biện pháp đáp ứng phù hợp.
Về vấn đề chuyển phân loại bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hoặc coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành, Bộ Y tế cũng đề xuất chưa thực hiện tại thời điểm này.
Một bệnh được coi là lưu hành khi đáp ứng 4 nhóm tiêu chí: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Bộ Y tế nhận định, ở tiêu chí số 4, hầu hết các nước trên thế giới đều trong trạng thái số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thất thường khi xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Nam Phi, Mỹ sau 2 tháng dịch xu hướng giảm và tăng trở lại từ đầu tháng 5/2022 đến nay do lưu hành của các biến thể BA.4, BA.5 và chưa có xu hướng chững lại. Không những vậy, SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện biến thể mới; đồng thời miễn dịch có được (do vaccine và mắc bệnh) chưa ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian.
Do đó, sau khoảng thời gian đủ lớn, dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào, nên vẫn cần thêm thời gian để theo dõi, đánh giá tính ổn định cũng như sự thay đổi của tác nhân gây bệnh.
Từ thực tế trên, Bộ Y tế đề xuất tạm thời chưa chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hoặc chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mang tính linh hoạt và tiến dần tới trạng thái "bình thường mới".