Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) đề nghị có bản án thật nghiêm khắc với những đối tượng lợi dụng dịch bệnh để "thổi giá" thiết bị, vật tư y tế.

Một mình Công ty Việt Á không thể "thổi giá" kit test

Dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm qua, ngành y tế lại bị "tổn thất" rất lớn đội ngũ cán bộ quản lý do liên quan đến những sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này? 

- Thời gian vừa qua ngành y tế bị "tổn thất" rất nhiều cán bộ quản lý, thậm chí ngay cả Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bị khởi tố. Đó chính là dấu hiệu đáng báo động trong ngành y tế. Ngay cả trong bối cảnh cả nước đang rất khó khăn trong phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế vẫn có đối tượng cam tâm nâng giá thiết bị, vật tư y tế để trục lợi làm giàu bất chính.

Khi mà nhân dân cả nước đang lao đao, khốn khó vì dịch bệnh mà còn có những đối tượng nâng khống giá để trục lợi, sau đó cùng ăn chia với nhau. Biểu hiện cụ thể như là thông thầu, nâng giá thiết bị, vật tư và gần đây nhất là kit test Covid-19.

Mới đây nhất Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam Phan Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á liên quan đến vụ "thổi giá" kit test Covid-19. Có thể nói, trong vụ việc các đối tượng đã thông thầu, bòn mót tiền của nhà nước, nhân dân để chia chác nhau.

Liên quan đến vụ việc trên, rất nhiều tỉnh thành đã bị mua kit test Covid-19 với cái giá "trên trời", thậm chí 400.000 đồng - 500.000 đồng/kit. Trong khi đó giá thực kit test Covid-19 thấp hơn nhiều. Với việc "thổi giá" như vậy, tất cả chi phí lại đổ dồn vào đầu người bệnh. Người bệnh đã khốn khó rồi, bây giờ lại thêm việc giá cả leo thang thì càng khó khăn hơn.

kit-test-xet-nghiem-1640019433840-1640060468.jpeg
Lực lượng y bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.

Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào với những đối tượng lợi dụng dịch bệnh, bất chấp sinh mạng của người dân nâng giá vật tư, thiết bị y tế? 

- Tôi phải dùng từ thật nặng với những đối tượng này, đó là tình trạng rất nhẫn tâm. Họ không có nhân tính, tình người! Trong lúc này đáng lẽ phải giảm giá để hỗ trợ chính phủ, hỗ trợ người dân, thì họ lại làm điều ngược lại là tăng giá. Trong lúc có rất nhiều người nhịn ăn, nhịn mặc, nhường cơm sẻ áo để cùng vượt qua đại dịch thì việc nâng giá như vậy là hành vi bóc lột, móc túi người dân, người bệnh.

Với điều kiện bình thường việc tăng giá như vậy đã phải xử lý nghiêm để răn đe các đối tượng khác. Còn trong bối cảnh cả nước đang vật lộn với đại dịch mà lại tăng giá thiết bị, vật tư y tế thì càng phải xử lý nghiêm khắc hơn. 

Theo ông một mình Công ty Việt Á có thể nâng khống giá kit test Covid-19 hay không nếu không có sự tiếp tay của các đối tượng là cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước? 

- Theo tôi một mình Công ty Việt Á thì không thể nâng giá kit test Covid-19. Do vậy, nếu cơ quan điều tra phát hiện ra ai trong cơ quan nhà nước mà chống lưng, đỡ đầu, thậm chí "bảo kê" cho việc này thì phải xử lý nghiêm.

ff1c644c705cba02e34d-1640048835857-1640060493.jpg
Ông Lê Như Tiến (Ảnh: Quốc Chính).

Đồng tiền làm nhiều người không giữ được phẩm giá

Nêu ý kiến thảo luật ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vũ Văn Họa - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc mua sắm trang thiết bị y tế nếu "soi" kỹ để đảm bảo chính xác thì rất khó. Thậm chí, nếu kiểm toán vào, thì sợ rằng "không có đường ra" vì mỗi nơi mua sắm một kiểu. Liệu có phải do yếu tố này nên các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bất chính?

- Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến những sai phạm trong ngành y tế vừa qua vẫn là đồng tiền làm cho con người không còn giữ được phẩm giá. Các đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh, làm mọi giá để kiếm tiền. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này còn có công tác thanh tra, kiểm tra của ngành y tế, liệu họ đã phát huy hết vai trò hay chưa?

Ngoài ra, cũng cần phải xem xét vai trò của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương đã làm hết vai trò, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó hay chưa mà để các đối tượng lộng hành đến như vậy và khi cơ quan điều tra vào cuộc thì các đối tượng mới bị xử lý. 

Trong hai năm qua, rất nhiều cán bộ trong ngành y tế vướng vào vòng lao lý do liên quan đến việc thông thầu, nâng giá thiết bị, vật tư y tế. Theo ông, làm cách nào để xử lý triệt để vấn đề này?

- Tôi cũng băn khoăn không rõ cơ chế quản lý của ngành y tế như thế nào mà lại để xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc đến như vậy. Khi sự việc xảy ra rồi thì công tác thanh tra, kiểm tra lại không kịp thời để tình trạng này lan rộng ra rất nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Ngoài ngành y tế, chúng ta còn có rất nhiều cơ quan, kiểm tra, giám sát… mà vẫn để xảy ra tình trạng như vậy là điều thật sự đáng tiếc.

Khi sự việc đã xảy ra rồi, để xử lý tận gốc vấn đề và mang tính răn đe thì phải có hình thức xử lý, kỷ luật thật nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan. Chứ không được xử lý chung chung, rồi sau đó "căn bệnh" này lại tiếp tục lây lan như vừa qua.

Theo tôi, cơ quan điều tra phải vào cuộc kịp thời, nhanh chóng, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng liên quan, cũng phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Và khi đã tìm ra nguyên nhân thì chúng ta phải tìm ra giải pháp để ngăn chặn kịp thời.

Xin cảm ơn ông!