photo1641277449732-1641277449863495296105-1641302935.jpg

Giám đốc CDC Nghệ An: Hoạ đến ngay miệng

Ngày 31/12, Cơ quan CSĐT (C03 - Bộ Công an) đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An và bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế Toán trưởng CDC Nghệ An.

Cùng với đó, C03 cũng khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương và nhiều cán bộ liên quan ở CDC Bình Dương. Trước đó, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương.

Các bị can này bị khởi tố, bắt giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ "thổi giá" kit test Covid-19 của Việt Á. Riêng Phạm Duy Tuyến còn bị khởi tố bổ sung thêm tội Nhận hối lộ.

Theo điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định, Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á và Vũ Đình Hiệp, Phó Giám đốc Công ty Việt Á cùng Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương còn có hành vi đưa, nhận hối lộ số tiền 27 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước khi bị Bộ Công an triệu tập, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An vẫn luôn khẳng định với báo chí rằng mình làm đúng quy định, phủ nhận lời khai chi tiền "lại quả" cho CDC Nghệ An của một số cán bộ Công ty Việt Á.

Nhiều người không khỏi "giật mình" khi nhớ lại những khẳng định chắc nịch về sự trong sạch của vị giám đốc này.

Cụ thể, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Định nói bản thân mình minh bạch, làm đúng trình tự, quy trình, thủ tục trong các gói thầu cung cấp vật tư kit test với Công ty Việt Á. Và, việc Bộ Công an làm việc tại Nghệ An là thông tin dư luận hiểu nhầm.

Tiếp đó, khi các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An thu giữ hồ sơ các gói thầu vào ngày 21/12, ông Nguyễn Văn Định vẫn tiếp tục khẳng định công an thu giữ 4 bộ hồ sơ liên quan đến đấu thầu với Công ty Việt Á là chỉ để "nghiên cứu".

Ông Nguyễn Văn Định khẳng định với PV rằng, từ khi tổ chức mua sắm đấu thầu sinh hóa phẩm phục vụ chống dịch của Công ty Việt Á, ông chưa bao giờ liên lạc, chưa bao giờ gặp gỡ lãnh đạo, cán bộ của công ty này.

Thậm chí ông Định khẳng định không biết lãnh đạo Công ty Việt Á là ai vì chưa bao giờ gặp mặt.

photo-1-16412824052271324125584-1641302962.jpg
Ông Nguyễn Văn Định.

"Hoàn toàn tôi không nhận bất kỳ quà nào, khoản hoa hồng nào từ công ty Việt Á, hay là bất kỳ ai.

Tôi cũng chưa liên lạc với bất kỳ ai trong công ty Việt Á về việc mua sắm đầu thầu cả. Chưa từng làm việc, chưa gặp và người tên Thảo kia lại càng không biết", ông Định khẳng định.

Được biết, từ đầu mùa dịch, CDC Nghệ An đã bỏ ra hơn 60 tỷ đồng để mua thiết bị, sinh hóa phẩm phục vụ chống dịch. Trong đó 28 tỷ đồng mua 4 gói thầu của Công ty Việt Á. 4 gói thầu này có 2 gói thầu chỉ định trị giá hơn 18,5 tỷ đồng.

Đối với Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh, thời điểm cơ quan điều tra làm việc với CDC Bình Dương, bản thân ông Danh còn cho báo chí biết không liên quan đến kit xét nghiệm của Công ty Việt Á mà "làm việc chuyện khác".

Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương khi đó, cũng khẳng định việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch rất rõ ràng, không có chuyện chia chác, móc nối, ăn chia phần trăm.

Theo thông tin tìm hiểu của PV, ông Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương đã có ít nhất 4 quyết định phê duyệt Công ty Việt Á trúng chỉ định thầu các gói bán mua vật tư y tế lên tới trên 40 tỷ đồng: 1 tỷ, 4,7 tỷ, 6,2 tỷ và 28,2 tỷ đồng (cung cấp 72.000 kit xét nghiệm Covid-19 do chính Công ty Việt Á sản xuất và 10.000 kit của Mỹ sản xuất).

Ngoài việc mua sắm vật tư y tế với Công ty Việt Á, ông Nguyễn Thành Danh cũng là người đã tham mưu rất nhiều gói mua sắm vật tư trong lúc cấp bách phòng dịch để Sở Y tế Bình Dương trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.

Được biết, trước khi bị bắt, ông Nguyễn Thành Danh chỉ còn vài ngày công tác là về hưu.

photo-1-1640074089389166319414-1641302988.jpg
Phan Quốc Việt và bộ kit test.

Niêm phong quà Việt Á tặng Giám đốc CDC Bình Phước

Mới đây nhất, chiều 31/12/2021, Giám đốc CDC Bình Phước Nguyễn Văn Sáu lên Sở Y tế báo cáo về việc có nhận quà từ Công ty Việt Á. Song ông Sáu không nói rõ quà tặng là gì. Ngay sau đó, Sở Y tế đã có báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh Bình Phước.

Giám đốc CDC Bình Phước Nguyễn Văn Sáu cũng khẳng định, bản thân ông không ăn chia 'hoa hồng' với Công ty Việt Á, mãi sau này đại diện của Công ty Việt Á mới đến tặng "quà" cho ông.

Khi người đại diện này về ông mới kiểm tra và biết có quà cho bản thân ông. Sau đó, ông đã báo cáo tổ chức, lãnh đạo các cấp và nói rằng ngay sau kỳ nghỉ Tết dương lịch sẽ nộp lại phần quà này cho cơ quan chức năng.

Liên quan đến việc này, hiện Bộ Công an đang làm việc với CDC Bình Phước và niêm phong một số tài liệu, giấy tờ liên quan.

Cũng theo thông tin từ báo chí, hiện quà hay vật phẩm liên quan đã được công an niêm phong và đang điều tra làm rõ.

Theo thông tin bước đầu, UBND tỉnh Bình Phước đã có 3 quyết định về việc mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á, với tổng số tiền là hơn 41,5 tỷ đồng.

Trong số này, phía CDC Bình Phước đã thanh toán cho cho Công ty Việt Á số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Hai đợt mua còn lại với số tiền khoảng hơn 34 tỷ, CDC Bình Phước chưa thanh toán.

Liên quan đến vụ "thổi giá" kit test Covid-19 Việt Á, đến nay đã có 19 bị can bị khởi tố, bắt giam.

Trong đó, có 3 Giám đốc CDC các tỉnh; 2 cựu Vụ trưởng, Vụ trưởng của Bộ Y tế; 1 Vụ phó của Bộ KH-CN; Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Việt Á cùng nhiều đồng phạm khác...

Bước đầu xác định, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (Công ty liên danh, Công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm./.