Chưa hết bàng hoàng, anh Lương Văn Thắm (SN 1985, trú bản Na Noong, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp) nhớ lại, ngày 15/10, gia đình phát hiện khu vực sân nhà xuất hiện nhiều vết nứt. Hố sâu khoảng 3m, rộng chừng 6m.
Gia đình sau đó đã phải di dời đến nơi khác và báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 10 ngày trôi qua, nhiều đoàn đến kiểm tra nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Theo anh Thắm, trước đó vào năm 2020, vườn rau nhà anh cũng từng xuất hiện một hố rộng khoảng 2m, sâu 2m. Mới đây, gia đình anh đã tiến hành san lấp để có đất trồng rau.
“Giờ phải ở nhờ nhà hàng xóm, chờ cơ quan chức năng xác định nguyên nhân mới dám về nhà”, anh nói.
Tại xưởng luyện thiếc của Công ty TNHH Khoáng sản An Thái (thuộc bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) cũng xuất hiện một "hố tử thần" rộng khoảng 4m, sâu 1m.
Trong sân công ty, xung quanh khu vực hố sụt lún xuất hiện nhiều vết nứt. Bức tường cao 2m phía trước xưởng luyện sắt bị đổ sập. Cổng lớn của công ty và một số công trình khác cũng bị nghiêng về phía hố bị sụt lún.
Ngoài xã Châu Hồng, tình trạng sụt lún nói trên còn xuất hiện tại xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp). Cụ thể, khu vực 2 bên bờ suối Quèn có 4 hố sụt lún, đường kính từ 1-2,5m; sâu 1-2m. Hiện, 2 hố đã được san lấp, 2 hố còn lại có hiện tượng nước trong suối chảy xuống.
Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã xuất hiện 6 hố sụt lún (rộng từ 1,5-6m; sâu từ 1,5-3m) nằm trên đất ruộng tại bản Na Hiêng và bản Công. “Xã đã báo cáo huyện và yêu cầu người dân vùng sụt lún tạm di dời để đảm bảo an toàn. Cơ quan chuyên môn đã đi kiểm tra song đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Hóa nói.
Ngày 18/10, UBND huyện Quỳ Hợp có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét cử các đơn vị tư vấn có chuyên môn hoặc các tổ chuyên gia đầu ngành về địa chất tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đánh giá cụ thể để có báo cáo mang tính pháp lý và cơ sở khoa học, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân./.