Những vụ án lớn mấy năm gần đây với số tiền liên quan lên đến hàng ngàn tỷ đồng, hàng triệu đô la và người đứng trước vành móng ngựa là những quan chức từng mang hàm Bộ trưởng (thậm chí cả Ủy viên Bộ Chính trị )- không thể không khiến chúng ta suy nghĩ: Điều gì đã khiến họ tha hóa đến thế, trong khi họ đã có một quá khứ hào hùng, từng đi qua những tháng năm khốc liệt?

Vì sao họ đã từng đối đầu với bom đạn nơi chiến trường, mạng sống có khi còn mất chỉ gang tấc trước họng súng quân thù họ đã không gục ngã mà giờ đây lại gục ngã trước những đồng tiền bất chính?

Trong bài viết về “Cần Kiệm Liêm Chính”, phần viết về “Liêm” chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi rất xác đáng rằng: “Do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp. Cụ Khổng Tử nói: "Người mà không Liêm, không bằng súc vật". Cụ Mạnh Tử nói: "Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy". Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên. Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ “Liêm” trước, để làm kiểu mẫu cho dân. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.641).
 
 
Thú chơi thư pháp không chỉ là sự thỏa mãn mỹ cảm mà còn chất chứa tâm nguyện của gia chủ trong hồn chữ được treo trên tường. Nếu những vị quan kia treo chữ “Liêm” để răn nhắc mình, có thể sẽ không trả cái giá quá đắt kia. Dịp xuân về nhìn người ta treo thư pháp, một người bạn vong niên của người viết, trong chén rượu đầu xuân hay nhắc về những chữ mình đã phóng bút tặng thiên hạ băn khoăn: “Bây giờ người ta xin chữ Lộc, chữ Phúc, chữ Tâm hay Nhẫn… mà thiếu mấy chữ Trung, chữ Dũng, riêng chữ “Liêm” càng ít người xin, trong khi ngày xưa, người làm quan, chữ Liêm luôn được treo trang trọng trong nhà để răn nhắc. Trong Hán tự, chữ “Liêm” gồm bộ “nghiễm” (yểm) là mái nhà và chữ “kiêm” là bao gồm, tập hợp (hội tụ những đức tốt). Đạo làm quan quý nhất chữ Liêm.

Mà dẫu không làm quan, chữ Liêm vẫn phải nằm lòng, câu tục ngữ “đói cho sạch, rách cho thơm” của ông bà xưa dường như vẫn vẹn nguyên giá trị cho dù bây giờ cuộc sống đã bớt đi chuyện đói rách. Điều kỳ lạ là không hề đói rách, thậm chí có người càng giàu có người ta càng quên mất chữ Liêm.

Sau hơn nửa thế kỷ, những nhắc nhở huấn thị của Hồ Chủ tịch vẫn còn trọn vẹn tính thời sự. Nhất là những dịp xuân về Tết đến như thế này, chữ Liêm càng cụ thể hơn trong hành xử của người cán bộ. Chuyện phong bao, rượu ngoại biếu xén quà cáp lâu nay đã không lấy gì “liêm” nay thêm đại án với con số hàng triệu đô la càng khiến chúng ta giật mình khi mà tiền bạc của dân bị làm xiếc với những tờ giấy A4, rồi sau đó là chia chác, lại quả.

Gửi một chữ “Liêm” cho những “công bộc - cán bộ” của dân trong ngày xuân như một niềm hy vọng, dù rằng con người ta không có ai chỉ treo một bức thư pháp chữ “Liêm” trong nhà mà thành ra trong sạch!
 

Nhưng tưởng cũng nên nhớ rằng, ngày xưa, gian khó cơ cực đến bao nhiêu, người dân vẫn hết lòng tin vào cán bộ, vào lý tưởng cách mạng bởi vì dân thấy rõ chữ Liêm nó hiển hiện ra trong hành động, trong đời sống tận tụy của người cán bộ ấy, gần gũi như thế nên dân hết lòng cưu mang đùm bọc. Bây giờ không ai nhận mình “bất liêm” nhưng cứ nhìn vào đồng lương họ được nhận và cuộc sống vật chất họ đang thụ hưởng, hẳn nhiên, dù một người dân bàng quan đến đâu cũng không thể không tự hỏi: Vị quan ấy có “liêm” không?

Và khi nhiều người dân đều đặt câu hỏi như vậy với cuộc sống của bất cứ quan chức nào thì lời răn dạy của Hồ Chủ tịch càng thấm thía hơn bao giờ hết!