Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách mỗi con người. Chỉ có ở gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến. Với vị trí và tầm quan trọng của gia đình, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 28/6 làm Ngày Gia đình Việt Nam và đến năm 2016 lấy tháng 6 hằng năm là "Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình" nhằm kêu gọi và đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể, địa phương trong việc chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra hàng ngày, có xu hướng ngày càng phức tạp, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 14/11/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tích cực tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; các Kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống bạo lực gia đình và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Nghệ An; tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, văn hoá vùng miền, đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học, bậc học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình ở địa phương. Bố trí cán bộ làm công tác gia đình và xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở; quy trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình nhưng không kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu nhân rộng và duy trì các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương, cơ sở. Tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành; đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình…
Theo PT - nghean.gov.vn