Chuyện tình đẹp

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp về xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Ông Nguyễn Hữu Tường (xóm 2, xã Nam Sơn) kể cho chúng tôi câu chuyện tình đặc biệt của người chị gái của ông là liệt sĩ Nguyễn Thị Diện (còn có tên là Nguyễn Thị Diễn, SN 1947). 

Theo ông Tường, chị Diện vốn đẹp người, đẹp nết, chữ cũng rất đẹp nên được bầu làm thư ký đội sản xuất kiêm Bí thư chi đoàn xã Nam Sơn. Rồi chị được phân công vào đội dân quân tự vệ, phụ trách bộ phận phòng không, bắn máy bay Mỹ.

Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng, chị Diện gia nhập đoàn quân thuộc phong trào ba sẵn sàng, có mặt khắp các trận địa ác liệt tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

a-1658885851.jpg
Ông Nguyễn Hữu Tường là em trai liệt sĩ Nguyễn Thị Diện - Ảnh: Quốc Huy

Sau đó, chị được yêu cầu bổ sung cho Công ty đường sắt 769 vào xây dựng tuyến đường sắt vận tải, công tác tại Đội C25, vùng Tuyên Hoá (Quảng Bình). Những năm công tác tại đây, chị Diện đem lòng yêu thương anh Đặng Văn Cự, người bếp trưởng cùng đơn vị (quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang). 

“Con dành phép 4 năm để về quê thăm gia đình. Chúng con dự định đợt này về ra mắt họ hàng hai bên và xin được kết nên duyên vợ chồng”, ông Tường chia sẻ lại bức thư của chị Diện gửi về những năm tháng đó.

Ông Tường năm đó cũng gia nhập quân ngũ, tham gia lực lượng Công an vũ trang tỉnh Nghệ An (nay là bộ đội biên phòng).

“Nhận được thư chị, mẹ tôi mừng lắm, mong ngày con gái trở về. Niềm vui chưa lâu thì hung tin đến. Cuối năm 1972, anh chị chèo đò qua sông để báo tin vui cho đồng hương rằng sẽ về quê thì không may bị máy bay Mỹ oanh tạc, anh chị đã nằm lại trên dòng sông Đò Vàng…”, ông Tường bật khóc nói.

Chị Diện, anh Cự được đồng đội trục vớt, an táng ở bên sông, sau này được cất bốc, đưa về nghĩa trang liệt sĩ phường Hải Thành (TP Đồng Hới, Quảng Bình). Phần mộ của 2 anh chị được bố trí nằm sát cạnh nhau.

Đám cưới viên mãn sau hơn nửa thế kỷ

Hoà bình lập lại, ông Tường về quê lập gia đình. “Hoàn cảnh gia đình khi đó rất khó khăn, chật vật mưu sinh, cứ nghĩ chị nằm lại trên đất mẹ nên chưa vội đi tìm”, ông Tường tâm sự.

Năm 1994, ông Tường mới có thời gian đi tìm mộ chị gái. Phải mất 22 ngày, qua 3 chuyến đi, với sự giúp đỡ của nhiều người và cơ quan chức năng, cuối cùng, ông cũng đến được nơi chị gái mình đang yên nghỉ ở TP Đồng Hới.

c-1658886779.jpg
Ông Nguyễn Hữu Tường kể lại vách đứng nơi 2 phần mộ liệt sĩ được chôn cất gần nhau ở bên sông Đò Vàng - Ảnh: Quốc Huy

Một đêm cuối tháng 3/2022, thông qua hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội, ông nhận được cuộc gọi, đầu dây bên kia giới thiệu là Đặng Thị Ánh (cháu của liệt sỹ Đặng Văn Cự).

“Hai anh chị từng hẹn ước nên duyên nhưng thật tiếc nguyện ước không thành, nay gia đình liệt sỹ Đặng Văn Cự muốn thực hiện lời nguyện năm nào là làm lễ cưới cho anh Cự, chị Diện. Dù muộn nhưng vẫn hơn không có. Khi nghe bên nhà anh Cự nói vậy, tôi vô cùng xúc động, vỡ oà cảm xúc”, ông Tường tâm sự.

Sau 50 năm tìm kiếm phần mộ và cơ duyên trời định đưa gia đình 2 bên gặp nhau.  Ngày 3/4 vừa qua, người thân của liệt sỹ Đặng Văn Cự sắm sửa cau trầu, rượu, bánh phu thê di chuyển từ Bắc Giang vào nhà gái ở Nghệ An dạm ngõ.

Đại diện nhà trai trình bày nguyện vọng muốn được tổ chức đám cưới cho đôi trai gái hy sinh trong thời chiến. Đáp lễ, ông Tường, đại diện nhà gái, thắp hương vái gia tiên báo cáo và "xin ý kiến của chị".

d-1658886808.jpg
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn - Ảnh: Quốc Huy
e-1658886820.jpg
Đám cưới được tổ chức bên 2 phần mộ liệt sĩ - Ảnh: Quốc Huy chụp lại

Sau lễ ăn hỏi tại nhà cô dâu, ngày 5/4, hai họ lên đường vào Nghĩa trang phường Hải Thành (TP Đồng Hới). 

Thắp hương ở đài tưởng niệm chung các liệt sĩ, hai họ chính thức tổ chức lễ cưới cho cô dâu Nguyễn Thị Diện và chú rể Đặng Văn Cự bên phần mộ của hai người. 

"Trong lúc lễ cưới diễn ra, một con bướm trắng to bay tới đậu trên bó hoa nơi mộ chị tôi rồi sang phần mộ anh Cự. Chân hương trên đài tượng niệm của nghĩa trang cũng bùng lên ngọn lửa. Có lẽ hương hồn chị tôi và anh Cự, cùng hương hồn các liệt sĩ đã về chứng kiến cho một đám cưới đặc biệt”, ông Tường thuật lại.

Đám cưới cho hai liệt sĩ hôm đó không ồn ào, nhưng những ai có mặt đều không kìm được nước mắt, sự xúc động lớn lao bởi cặp đôi sau hơn nửa thế kỷ mới nên duyên vợ chồng. 

Sau lễ cưới, đại diện nhà trai mời nhà gái ra Bắc Giang chứng kiến lễ nhập gia phả cho cô dâu, liệt sĩ Nguyễn Thị Diện. Cái kết rất đẹp cho chuyện tình của hai liệt sĩ xả thân vì độc lập./.