Ngày 5/12, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành Kế hoạch số 1637/2022 về đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe.
Cục an toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… nên nguy cơ thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo ATTP tràn ra thị trường thời điểm này cũng tăng lên.
Kế hoạch được triển khai nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Mục tiêu của Kế hoạch đảm bảo ATTP Tết là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Cùng đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Theo kế hoạch, trong thời gian cao điểm từ 15/12/2022 đến hết 12/3/2023, tại cấp trung ương sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh/ thành trọng điểm trên cả nước. Các địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp từ tỉnh tới xã.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.
Ngoài thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Theo dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế việc đảm bảo ATTP phải luôn luôn được coi trọng. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tổng số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn là 74 trường hợp./.
Theo Đình Thanh - tamnhin.trithuccuocsong.vn