ffff-1721657930.jpg
Một góc làng quê Quỳnh Đôi

Ông đã gặp được hai ông Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh cùng ý tưởng, nguyện vọng. Và năm 1378, ông Hồ Kha đã cho con là Hồ Hồng cùng hai ông họ Nguyễn, Hoàng về đây lập làng trên cồn đồi, giao điểm giữa hai vùng với cái tên mới là Đồng Tương và Đồng Nghệ. Nên làng có tên khai sinh đầu tiên là Thổ Đôi trang. Theo các nhà phong thủy thì Làng Quỳnh nhìn về 4 hướng đều thấy nào là: bảng, bút, rồng, ngựa, tàn, tán, lọng nên đây là mảnh đất địa linh, phát về học hành, khoa bảng và làm quan.

Một góc làng quê Quỳnh Đôi

Làng Quỳnh (xã Quỳnh Đôi) thuộc vùng trung tâm nông giang huyện Quỳnh Lưu. Cách đây hơn 600 năm, khi vùng đất này được bồi tụ thành những gò đồi; ông Hồ Kha đã tìm đến đây và nhận thấy một vùng đất đẹp có điều kiện sinh cơ, lập nghiệp, phát triển lâu bền. Ông đã gặp được hai ông Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh cùng ý tưởng, nguyện vọng. Và năm 1378, ông Hồ Kha đã cho con là Hồ Hồng cùng hai ông họ Nguyễn, Hoàng về đây lập làng trên cồn đồi, giao điểm giữa hai vùng với cái tên mới là Đồng Tương và Đồng Nghệ. Nên làng có tên khai sinh đầu tiên là Thổ Đôi trang. Theo các nhà phong thủy thì Làng Quỳnh nhìn về 4 hướng đều thấy nào là: bảng, bút, rồng, ngựa, tàn, tán, lọng nên đây là mảnh đất địa linh, phát về học hành, khoa bảng và làm quan. Từ xưa đã lưu truyền trong dân gian về vấn đề này:

Bắc Hà Hành Thiện

Hoan Diễn Quỳnh Đôi 

Có phải ông Hồ Kha có con mắt thần đã nhìn ra địa thế độc đắc của mảnh đất này theo thức nhận về tâm linh; hay khi làng xây dựng được truyền thống học tập, nhiều người đậu đạt rồi nhân dân ở đây tưởng tượng, suy luận ra thế? Nhưng có thể khẳng định rằng các bậc tiền bối Hồ Hồng, Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh lập nên làng Quỳnh đều là con cháu dòng tộc. Để hưng thịnh dài lâu cho làng, các ông còn tiếp tục đi " chiêu hiền đại sỹ" mời những người có tên tuổi, học thức về nhập cư làng Quỳnh. Và xuất phát từ đó mà làng Quỳnh đã xây dựng ý thức đoàn kết, quyết tâm xây dựng làng. Hiểu theo cách nào thì thực tế làng Quỳnh là một xã có truyền thống học hành khoa bảng, làm quan và văn học. Theo các tư liệu sách vở viết về làng Quỳnh thì từ lập làng cho đến khi kết thúc thi cử bằng chữ Hán năm 1919, Quỳnh Đôi có 793 người đổ Tú tài và Cử nhân. Đỗ đại khoa có 1 Bảng nhãn, 2 Hoàng giáp, 6 Tiến sỹ và 4 Phó bảng. Trong đó, nhiều người giữ các chức vụ quan trọng và có đóng góp công trạng vào công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước trong các triều đại trước đây như Hồ Sỹ Dương, Hồ Sỹ Đống, Hồ Phi Tích, Phan Hữu Tính, Phạm Đình Toái, Văn Đức Giai. Về Văn học thì có nữ sỹ tài hoa Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ nôm và các tác giả khác như Hồ Sỹ Đống, Văn Đức Giai, Dương Thúc Hạp, Phạm Đình Toái, Hồ Phi Huyền, Nguyễn Tiến Bảng. Do đó, ngày xưa đường vào làng Quỳnh đi giữa cánh đồng lúa mà đông lúa nhiều đoạn bị uốn cong. Là vì dân tự đắp như vậy để khi các ông Nghè, ông Cử về quê bái tổ vinh qui, đoàn người đi rồng rắn cho đẹp, cho lâu về tới làng. Từ khi Nhà nước lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính và thi cử trong các trường học, xã Quỳnh Đôi vẫn phát huy tốt đẹp truyền thống ông cha. Tính đến năm 2012, Quỳnh Đôi có 600 người tốt nghiệp Đại học trở lên, trong đó 29 thạc sỹ, 36 tiến sỹ, 6 phó giáo sư, 4 giáo sư, 2 viện sỹ quốc tế. Nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội như: Phan Cự Tiến, Phan Cự Đệ, Phan Cự Nhân, Phan Tam Đồng; Nguyễn Xuân Dũng, Văn Như Cương…Nhiều nhà hoạt động chính trị quân sự, giữ chức vụ từ bộ trưởng trở lên như Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Ngọc Ân, Hồ Đức Việt, Hồ Viết Thắng, Hoàng Ngọc Nhân. Nhiều người làm công tác ngoại giao nổi tiếng: Xưa như Tham tụng, Duệ quận công Hồ Sỹ Dương; Bồi tụng, Quỳnh quận công Hồ Phi Tích được cử làm chánh sứ đi nước láng giềng Trung Hoa và đã làm rạng danh đất nước Đại Việt. Ngày nay, Quỳnh Đôi cũng có nhiều người được Nhà nước cử đi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở các nước như: Hoàng Văn Hoan, Hồ Xô Viết, Đinh Hoàng Thắng và Hoàng Hồ Thịnh. Toàn xã Quỳnh Đôi có 8 hội viên Hội nhà văn Việt Nam: Hoàng Trung Thông, Phan Cự Đệ, Hoàng Trung Nho, Hồ Anh Tuấn, Hồ Anh Thái, Dương Huy, Lam Giang, Dương Danh Dũng. Trong đó, nhà thơ Hoàng Trung Thông và nhà Lý luận phê bình Phan Cự Đệ được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Có hai hội viên Hội Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam: Dương Viên, Hoàng Phượng Vỹ và rất nhiều tên tuổi trên văn đàn và trên lĩnh vực báo chí của cả nước. Từng ấy con số thôi, cũng đã nói lên một vùng đất văn hiến của nước Việt.

Nói về tính cách người làng Quỳnh, tác giả Phan Hữu Thịnh, người được coi là nhà Quỳnh Đôi học đã viết đại ý: Thanh bạch và giản dị, khảng khái và trung thực, trọng đạo lý và giàu tình thương. Tuy nhiên có mặt hạn chế: Nói chung kém kinh doanh và quản lý kinh tế về kỹ thuật công nghệ sản xuất, ưa chuộng chữ nhàn, đề cao kẻ sỹ, tư duy nặng về khái quát hơn cụ thể, có lối sống giản dị, tiết kiệm; tính cách kiên quyết, có khi hơi gàn. Song, toát lên ở con người Quỳnh Đôi một tính cách chung là tự tin và tự hào. Đây là đức tính tốt của mỗi con người. Tất nhiên đừng tự hào thái quá mà sinh ra tự cao, tự đại thôi.

Người Quỳnh Đôi đi làm việc, làm ăn xa nhiều nên họ cũng mang về quê hương nhiều nét đẹp đáng quí. Là quê hương của tác giả Thọ mai gia lễ Hồ Sỹ Tân nhưng tôi thấy dân làng Quỳnh tổ chức các việc họ, giỗ, việc cưới, việc tang cũng long trọng, trang nghiêm, khá khoa học, phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày naynhưng không rườm rà, tốn kém. Ẩm thực ở đây cũng khá đặc biệt. “Bún” làng Quỳnh nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Món bún đó được làm món chính trong bữa ăn đặc sản của người Quỳnh Lưu “Bún giá cá ruốc”. Khi thưởng thức món ăn dân dã này ta thấy có sự hài hoà giữa mùi và vị; giữa cái ngon của bún, cá và "ngọt thơm" của ruốc. Ai đi xa làng Quỳnh, huyện Quỳnh sao quên được món ẩm thực này. Một món ăn đặc sản nữa mà dân Làng Quỳnh ưa thích là canh lá Lằng. Canh lá Lằng nấu tép diu, cà kiu; ăn với cà muối thì thật đậm đà. Cây lằng mọc ở rừng, có lẽ ngày xưa các ông đồ làng Quỳnh đi dạy học ở vùng núi, được thưởng thức vị lạ này nên đã đưa về Quỳnh Đôi. Một số người Quỳnh Đôi đã định cư ở Thủ đô và nhiều nơi khác vẫn thường nhờ người nhà mua hộ lá lằng để nấu canh. Giọng nói của dân làng Quỳnh phát âm rõ và nhẹ; thổ ngữ địa phương cũng được bỏ đi một ít và dùng tiếng phổ thông nhiều hơn các xã khác.

Một nét đẹp truyền thống của Làng Quỳnh là rất quan tâm đến xây dựng con người toàn diện. Từ sau khi lập làng, người Quỳnh Đôi đã ý thức được việc ghi chép sử làng làm tư liệu truyền thống cho mai sau. Đó là quyển Quỳnh Đôi sự tích cổ kim hương biên của cụ Tú tài Hồ Phi Hội khai bút vào giữa thế kỷ XIX. Được ông Hồ Trọng Chuyên diễn nôm và tục biên; ông Hồ Đức Lĩnh dịch ra chữ Quốc ngữ và tục biên cho đến khi có điều kiện in ấn, xuất bản. Năm 1988, Quỳnh Đôi đã có cuốn sử làng: Từ Thổ Đôi trang đến xã Quỳnh Đôi do ông Hồ Sỹ Giàng viết. Từ năm 1636 đã xây dựng hương ước của làng, tức là Hương ước làng Quỳnh do Cử nhân Phan Khuê khởi thảo. Hương ước làng Quỳnh được đánh giá là một trong những bộ luật làng sớm nhất nước. Đến nay, xã Quỳnh Đôi đã có hàng chục tác phẩm về sử, văn học viết về làng xã, họ tộc, danh nhân. Ngoài ba tác phẩm nêu trên còn có: Quỳnh Đôi chặng đương nối tiếp; Lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Đôi; Quỳnh Đôi làng văn hóa xã anh hùng; Quỳnh Đôi xưa, học hành khoa cử; Rạng danh người Quỳnh Đôi; Người Quỳnh Đôi chiến đấu cứu nước; Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc; Đất nước, quê hương và dòng họ Hồ Phi Quỳnh Đôi; Bảng nhãn Tham tụng Duệ quận công Hồ Sỹ Dương; Hồ Tùng Mậu nhà tiền bối lãnh đạo tiêu biểu; và các tập thơ, văn của tác giả làng Quỳnh...Xã có Đình làng, Nhà thánh đề thờ cúng, sinh hoạt xã hội và tâm linh. Các họ đều có nhà thờ để thờ cúng tổ tiên ông bà. Ngày nay Đình làng, nhà thờ của các họ: Hồ, Nguyễn, Hoàng, lăng Hồ Tùng Mậu, miếu thờ Hồ Sỹ Dương được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và 2 nhà thờ họ được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Khi xã có trụ sở mới và Nhà văn hóa thì Đình Làng xưa được chuyển làm nhà truyền thống và thư viện của xã. Các vị có công với dân, với nước như: Hồ Phi Tích, Hồ Xuân Hương, Hồ Tùng Mậu, Hồ Bá Ôn, Cù Chính Lan…đều được nhân dân, họ tộc tôn thờ, làm nhà thờ, miếu thờ, thể hiện sự tôn kính, biết ơn. Dân làng Quỳnh những người đỗ đạt cao thì ra làm quan giúp nước, những người không thích quan trường, học xong cử nhân, tú tài thì được động viên đi dạy học. Các ông đồ làng Quỳnh đã nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. Ngày mồng 2 tết Nguyên đán hàng năm, các cụ người cao tuổi, các thầy cô giáo, các tác giả thơ, các em học sinh và đông đảo nhân dân trong xã ra đình xã làm lễ khai bút đầu năm. Tại hội khai bút là cho chữ, đọc bình thơ, vui văn nghệ, tổng kết tình hình học tập của học sinh toàn xã và phát thưởng cho học sinh học giỏi xuất sắc. Ngoài việc chăm lo giáo dục truyền thống văn hoá; xã Quỳnh Đôi cũng rất chăm lo sức khoẻ cho nhân dân mà nòng cốt là thanh niên. Bóng đá đã trở thành bộ môn thể thao có truyền thống từ lâu. Tôi nhớ những năm 70 của thế kỷ XX, việc tập thể dục, thể thao rèn luyện thân thể đã thành phong trào sâu rộng trong nhân dân. Cũng thời gian này, Quỳnh Đôi đã xây dựng bể bơi để cho thanh thiếu niên tập bơi, rèn luyện thân thể.

Cách mạng tháng 8/1945, Quỳnh Đôi là một trong ba xã của huyện Quỳnh Lưu giành chính quyền cách mạng sớm nhất huyện (ngày 15/8/945). Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, xã Quỳnh Đôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lưỡng vũ trang. Khi nhà nước ta có chủ trương xây dựng Làng văn hoá thì Quỳnh Đôi là một xã được công nhận Làng văn hoá đầu tiên năm 1998. Những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI; khi có chủ trương xây dựng Nông thôn mới; từ cơ sở một đơn vị Văn hoá, lại có động lực của con cháu đi xa ủng hộ và được sự quan tâm của trên, Quỳnh Đôi đã sớm về đích xã Nông thôn mới năm 2014 và được cấp trên chỉ đạo xây dựng thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu. Như thế là xã Quỳnh Đôi hiện nay đã có được các danh hiệu quí của Nhà nước: Xã anh hùng lực lượng vũ trang, Làng Văn hoá, xã Nông thôn mới. Về cá nhân có 2 anh hùng: Cù Chính Lan Anh hùng Lực lưỡng vũ trang và Hồ Thị Xinh anh hùng ngành Công nghiệp. Hôm nay về làng Quỳnh chúng ta thấy một quang cảnh đẹp đẽ, bề thế như một thị trấn trẻ, thấp thoáng nhà tầng, nhà đẹp của dân ở khắp mọi thôn. Đường làng, đường thôn được Bê tông hoá rộng rãi. Trường học, Trạm Y tế, Trụ sở xã được xây dựng cao tầng khang trang. Xóm nào cũng có nhà Văn hoá. Nhà Truyền thống, Thư viện xã trưng bày nhiều hiện vật và sách vở phong phú. Có hồ nước thơm ngát hương sen. Làng Quỳnh ngọn lửa truyền thống cách mạng, văn hoá vẫn rực cháy.