Nhờ ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa, người dân làng cổ Khổng Yên (còn gọi là làng Khoóng) thuộc xã Đức Yên cũ, nay là thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) vẫn giữ được nét đẹp hồn quê làng Việt giữa không khí sôi động của nông thôn mới.
Làng quê Hà Tĩnh gìn giữ hồn Việt


Đền Khổng Yên được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012

Theo các bậc cao niên, là vùng đất bồi tụ nằm bên bờ sông La, làng Khổng Yên có lịch sử ra đời cách đây hơn 500 năm. Trước những năm 70 của thế kỷ trước, ngoài sản xuất nông nghiệp, làng có nghề truyền thống là làm giấy viết từ cây nứa. Về sau, khi công nghệ phát triển, giấy viết sản xuất thủ công không đáp ứng nhu cầu sử dụng, làng chuyển sang nghề giấy hàng mã và đan bồ (dụng cụ đựng nông sản, muối…).

Thời chống Mỹ, Khổng Yên có 5 đội sản xuất làm nghề gồm: Nhân, Trí, Nghĩa, Dũng, Hùng. Về sau, làng chia ra thành 2 thôn là Đại Nghĩa và Hùng Dũng, tương ứng với 2 tổ dân phố (TDP) sau khi Đức Yên sáp nhập vào thị trấn Đức Thọ năm 2020.

Ông Nguyễn Dương Quý (78 tuổi, TDP Đại Nghĩa) kể lại: “Trước đây, làng tôi đẹp lắm, có cổng làng, cây đa, giếng nước, nhiều đền thờ, miếu mạo. Đặc biệt, nghề làm giấy rất nổi tiếng. Thuở tôi còn nhỏ, trước mỗi nhà trong làng đều có một cái hồ nhỏ ngâm nứa làm giấy. Không khí lao động làng quê lúc ấy rộn ràng, mùi giấy bù (giấy nâu) sau các mẻ sản xuất tỏa ra khắp nơi…”.

Làng quê Hà Tĩnh gìn giữ hồn Việt


Đền Khổng Yên thờ vị thành hoàng làng là Tiến sỹ Trần Dực (1465-1512), người có công xây nhiều công trình phúc lợi cho dân làng sau khi đỗ đạt thành danh.

Cũng như nhiều làng cổ Hà Tĩnh khác, do thời gian và chiến tranh, nhiều di tích dần mai một. Gần đây, song song với xây dựng NTM, chính quyền và người dân 2 TDP Đại Nghĩa, Hùng Dũng đã cố gắng phục hồi các di tích và những nét đẹp của làng cổ trước đây.

Một trong những việc làm ý nghĩa mà chính quyền và Nhân dân ở đây làm được trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của làng, đó là phục hồi lại đền Khổng Yên, nơi thờ tự Đệ nhị giáp Tiến sỹ Trần Dực, đồng thời là thành hoàng làng.

Theo tư liệu lịch sử, Trần Dực (1465-1512) người quê ở Ngãi Lăng (thị trấn Đức Thọ ngày nay). Thuở nhỏ, ông đi ở cho một gia đình ở làng Khổng Yên nhưng bằng tư chất thông minh đã được chủ cho đi học. Sau những nỗ lực, người học trò nghèo ấy đã thi đỗ Tiến sỹ trong kỳ thi hội năm Nhâm Tuất (1502) đời vua Lê Hiến Tông.

Ông từng được vua phong đến chức Hộ bộ Tả thị lang kiêm Đông các Hiệu thư và được khắc tên vào bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sau khi công thành danh toại, ông đã về quê và xây các công trình phúc lợi cho người dân, trong đó có cây cầu chống úng ngập Thị Lang, nằm giữa thị trấn Đức Thọ và xã Tùng Ảnh ngày nay. Sau 500 năm, hiện cây cầu này vẫn phát huy tác dụng.

Làng quê Hà Tĩnh gìn giữ hồn Việt


Bánh gai, sản phẩm truyền thống của làng Khổng Yên vừa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. (Trong ảnh: Cơ sở sản xuất của gia đình bà Nguyễn Thị Nho - TDP Hùng Dũng).

Với sự chung tay phục dựng của chính quyền và Nhân dân, năm 2012, đền Khổng Yên được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Sau này, trong quá trình xây dựng NTM, người dân ở đây ngày càng bồi đắp, tu sửa thêm quần thể cảnh quan xung quanh đền, như: trồng cây đa, phục hồi giếng Trùa… khiến cho làng quê NTM Khổng Yên mang đậm hồn quê làng Việt.

Cùng với xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan, Hùng Dũng là một trong 2 TDP của làng Khổng Yên xưa cũng duy trì và phát huy nghề làm bánh gai truyền thống Đức Thọ. Hiện, sản phẩm này đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Làng quê Hà Tĩnh gìn giữ hồn Việt


Những con đường NTM khang trang với hàng rào xanh mướt ở TDP Đại Nghĩa.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm - Bí thư Chi bộ TDP Đại Nghĩa cho biết: “Đại Nghĩa và Hùng Dũng đều đã đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu. Sau khi sáp nhập vào thị trấn Đức Thọ, chúng tôi tiếp tục nỗ lực xây dựng TDP kiểu mẫu. Song song với xây dựng NTM, chúng tôi luôn thống nhất và nỗ lực gìn giữ những di sản văn hóa mà ông cha để lại”.