Hàng loạt y, bác sĩ ở nhiều địa phương nghỉ việc
Trong hơn 2 năm qua, ngành y tế đã trải qua giai đoạn chống dịch Covid-19 đầy cam go, căng thẳng. Lực lượng y bác sĩ, các nhân viên y tế được tôn vinh khi là những “chiến sĩ áo trắng” tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, đến nay, khi dịch đã lui dần và đang được kiểm soát tốt thì ngành y phải đối mặt với làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc gây ra tình trạng thiếu nhân lực tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 18 tháng qua, đã có 9.397 bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc cao trong 6 tháng đầu năm 2022 là Tp.HCM, Hà Nội và Đồng Nai…
Ngày 22/7, ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2020 đến cuối tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 61 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, năm 2020 là 31 người, năm 2021 là 17 người, 6 tháng đầu năm 2022 là 13 người (trong đó có 10 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 y sĩ).
“Nguyên nhân viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng là do tiền lương, phụ cấp trả cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập thấp hơn nhiều lần so với cơ sở y tế tư nhân. Chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên ngành y, dược hiện nay rất cao, trong khi mức lương trả cho viên chức y tế (đặc biệt là bác sĩ) sau khi tốt nghiệp ra trường tại đa số cơ sở y tế công lập còn quá thấp, nên dẫn đến rất khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Phạm Minh Đức chia sẻ.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, môi trường làm việc, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19 gây áp lực lớn cho cán bộ, nhân viên y tế dễ gây căng thẳng, mệt mỏi, giảm động lực làm việc. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh giảm mạnh, trong khi đó, ngoài tiền lương, viên chức y tế không có khoản thu nhập tăng thêm.
Trước thực tế trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Y tế cần đẩy mạnh tiến trình cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế công lập. Đây là một trong những giải pháp cốt lõi, bền vững để giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, thu hút nhân lực trình độ cao tại các cơ sở y tế công lập, giảm chuyển dịch nhân lực sang cơ sở y tế ngoài công lập, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Bình Dương đề nghị báo cáo tình trạng nhân viên y tế bỏ việc
Theo ghi nhận, tại Bình Dương tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc cũng khá “nóng”. Số liệu từ Sở Y tế Bình Dương cho thấy, trong năm 2021, số lượng viên chức y tế nghỉ việc, bỏ việc là 162 người, trong đó có 24 bác sĩ và bác sĩ chuyên khoa, 66 dược sĩ, điều dưỡng.
Trong năm nay, Bình Dương tiếp tục có 166 nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc tại các đơn vị công lập, gồm 35 bác sĩ, 60 điều dưỡng-nữ hộ sinh, 6 kỹ thuật viên y và 65 nhân viên y tế khác. Đáng chú ý, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có 51 người nghỉ việc, bỏ việc. Con số này tại Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát là 21 người, Trung tâm Y tế thành phố Thuận An (25 người), Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên (18 người).
Về nguyên nhân y bác sĩ, nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, theo Sở Y tế Bình Dương, một phần do lương và chế độ khác của y tế công lập thấp hơn ngoài công lập. Mặt khác, áp lực công việc khi vừa phòng, chống dịch vừa khám chữa bệnh thông thường trong suốt 2 năm qua khiến nhân viên y tế quá tải…
Trước thực trạng này, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin đã gửi văn bản yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc báo cáo tình hình cán bộ, viên chức y tế xin nghỉ việc, bỏ việc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập. Sở Y tế Bình Dương yêu cầu các đơn vị nhanh chóng báo cáo thực trạng, nêu các khó khăn, vướng mắc tại đơn vị và đề xuất các giải pháp.
Kon Tum tìm giải pháp “níu chân” nhân viên y tế
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 96 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc; trong đó có 42 bác sĩ, 19 điều dưỡng, 4 dược sĩ còn lại là kỹ thuật và viên chức y tế khác. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc thiếu nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế, nhất là khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nâng từ bệnh viện hạng II lên hạng I quy mô 750 giường bệnh.
Bác sĩ Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, nguyên nhân cán bộ y tế nghỉ việc đều thể hiện rõ trong đơn là vì hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, chỉ một số ít bác sĩ nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình, còn chủ yếu do thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn tại các bệnh viện tư hoặc ở những tỉnh kinh tế - xã hội phát triển, có chính sách thu hút, đãi ngộ hấp dẫn. Đáng báo động, số nhân viên y tế thôi việc, chuyển công tác tiếp tục tăng lên và rất khó để tìm nguồn thay thế.
Để “giữ chân” nhân lực ngành y tế, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 2933/KH-SYT triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, Sở đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ để phát triển nguồn nhân lực y tế...
Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, các chủ trương, chính sách để "giữ chân" nhân lực ngành y tế của tỉnh thời gian qua vẫn chưa được triển khai hiệu quả và thiếu đồng bộ nên còn xảy ra tình trạng cán bộ, nhân viên y tế xin chuyển việc, nghỉ việc, rời xa cơ sở y tế công lập.
“Để giữ chân đội ngũ y, bác sĩ, phải cải thiện, nâng cao thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ đang công tác trong cơ sở y tế công lập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tạo nơi làm việc cho đội ngũ này tốt hơn; có chế độ đãi ngộ, chính sách đưa đi đào tạo và tăng quyền tự chủ rộng hơn cho các cơ sở y tế công lập, tạo điều kiện tăng thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ đang công tác trong ngành”, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu.
Khi “giọt nước tràn ly”, giải pháp nào giữ “lửa nghề” cho cán bộ y tế?
Nhận định về thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, đây là một tình trạng đáng báo động vì ngành y tế là ngành an sinh xã hội.
Trước tình trạng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc trong thời gian vừa qua, chất lượng chăm sóc, dịch vụ y tế chắc chắn bị giảm. Cụ thể, khi gần 10.000 bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước nghỉ việc thì khoảng chục ngàn người khác sẽ phải thay thế. Hệ thống y tế sẽ hoạt động hết sức khó khăn khi lương thấp đi sau đại dịch, trang thiết bị không đầy đủ, thuốc men thiếu và quan trọng hơn là tâm lý lo ngại về “ranh giới giữa đúng - sai” về mặt pháp lý.
“Mặc dù chỉ 2% trong số 500.000 công đoàn viên ngành y tế nghỉ việc, nhưng chúng tôi lo ngại rằng nếu không có giải pháp quyết liệt, kịp thời thì con số này sẽ không dừng lại. Chúng ta cũng không thể thống kê được có bao nhiêu người dân sẽ bị ảnh hưởng vì sự chậm trễ do thiếu thuốc, trang thiết bị, có thể bệnh nặng lên, tốn nhiều tiền để điều trị hơn và thậm chí mất tính mạng”, PGS.TS Thanh Bình nêu thực trạng.
PGS.TS Phạm Thanh Bình nhận định, nguyên nhân của làn sóng nghỉ việc này rất nhiều và đó là một quá trình, đến giai đoạn này là “giọt nước tràn ly”. Yếu tố giữ được nhân viên y tế không chỉ là phụ cấp mà còn là môi trường làm việc, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, được đào tạo, được cống hiến, được làm việc theo sở trường.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, có hai giải pháp một là cấp bách và hai là lâu dài. “Cấp bách trước mắt, chúng tôi đề nghị giải quyết ngay hỗ trợ cho cán bộ chống dịch. Đây là quyền người ta được hưởng mà tại sau vẫn chậm trễ. Như Bí thư Thành ủy Tp.HCM đã nhận lỗi khi khen thưởng chậm. Không chỉ khen thưởng mà chế độ phụ cấp cho cán bộ chống dịch đến nay một số đơn vị ở địa phương và cả Trung ương cũng chưa nhận được… Thứ hai là lộ trình từng bước để làm sao giải quyết được đấu thầu cơ sở khi thuốc men, trang thiết bị hiện nay còn thiếu và đặc biệt cần có một cơ chế xã hội hóa. Hiện nay, máy móc mà xã hội hóa đều bị dừng và không được thanh toán bởi bảo hiểm xã hội… gây thiệt thòi cho người bệnh. Bên cạnh đó là những vấn đề về tự chủ…”, ông Bình nói.
Thực tế cho thấy, sau hàng loạt vụ việc tiêu cực vừa qua của ngành y tế, không ít nhân viên y tế gần như đổ vỡ niềm tin, không còn giữ được “lửa nghề” như trước đây.
Thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế đã phải chấp nhận từ bỏ công việc gắn bó lâu năm, thậm chí khi họ đã lành nghề vì không thể bám trụ mãi với công việc mà không đủ nuôi con, không đủ đảm bảo cuộc sống gia đình.
Đó là câu chuyện buồn của ngành y nhưng nó lại đang xảy ra khá phổ biến thời gian qua ngành y tế. Bộ Y tế cũng đã có những đề xuất kiến nghị để tăng đãi ngộ đối với nhân viên y tế. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa cao và những khó khăn vẫn còn tồn tại.
Bởi vậy, điều cần thiết lúc này, như đề xuất của Công đoàn Y tế Việt Nam là sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở; cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.
Chính phủ nên cấp kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, viên chức ngành y tế, cụ thể, mỗi người 1 tháng lương hiện hưởng theo ngạch bậc hiện nay, hoặc hỗ trợ với mức 1- 2 lần mức lương cơ sở hiện nay. Xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục. Về lâu dài, có thể nâng lương cho cán bộ y tế bằng với mức lương của lực lượng vũ trang…
Đặc biệt có chế độ chính sách hỗ trợ đối với các cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, nơi xảy ra thiên tai dịch bệnh. Cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực và đào tạo, nhất là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực lao phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, hồi sức cấp cứu...