Trải qua thời gian, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Thái ở miền Tây xứ Nghệ bị “đồng hóa”. Tuy nhiên, tục “làm vía” hay là lễ buộc chỉ cổ tay là nét văn hóa đang được gìn giữ và lưu truyền, nó mang ý nghĩa đem lại sự may mắn, bình an cho người được buộc chỉ.
 
Tục “làm vía” hay còn gọi là lễ buộc chỉ cổ tay (tiếng Thái là hăng vắn), là một trong những phong tục có từ rất lâu đời của người Thái miền tây xứ Nghệ, với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho con cháu. Đồng thời, phong tục này cũng mang đậm giá trị tâm linh gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây.
 
Theo quan niệm của người Thái, đàn ông Thái có 7 vía, đàn bà Thái có 9 vía, khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì những người đàn ông và đàn bà đó sẽ không còn tồn tại trên thế gian; hoặc người đó bị “lạc đi” vài vía thì sẽ sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật, tai ương và gặp vận không may trong cuộc sống.
 
Chính vì thế, người Thái làm lễ buộc chỉ cổ tay để giữ vía cầu an, ngoài ra tùy vào từng hoàn cảnh mà lễ buộc chỉ cổ tay lại mang một ý nghĩa khác nhau. Cụ thể là việc buộc chỉ cổ tay được tiến hành đối với những người bị ốm mang ý nghĩa cầu sức khỏe, còn đối với những đôi trai gái mới cưới lại mang ý nghĩa cầu hạnh phúc. Đặc biệt, lễ buộc chỉ cổ tay còn được thực hiện đối với gia đình có người thân mất đi thì lại mang ý nghĩa cầu cho linh hồn người đã khuất sớm được siêu thoát, đồng thời đem lại sự bình an cho con cháu trong nhà...
 
Việc làm lễ buộc chỉ cổ tay đối với người Thái cũng rất quan trọng, người đứng ra làm lễ phải là thầy mo có uy tín trong làng. Sau đó, phải chọn ngày, giờ đẹp rồi mới tiến hành nghi thức cầu an rồi buộc cổ tay cho cả nhà.
 
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt ông Lang Văn Hồng (trú tại bản Đôm 1, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cho biết, lễ buộc chỉ cổ tay là một giá trị tâm linh mang đậm nét văn hóa lâu đời của người Thái, để tiến hành lễ này cần có: một cuộn chỉ màu đen, một con gà luộc, 1 quả trứng, 3 têm trầu cau, 1 quả trứng luộc, 1 bát gạo trắng và 1 ít tiền lẻ đặt trên đĩa...
 
"Lễ buộc cổ tay cùng tuy thuộc vào hoàn cảnh trước khi làm lễ, người dân tộc Thái chúng tôi dùng những sợi chỉ khác nhau, sợi chỉ đen dùng trong việc cầu bình an; sợi chỉ đỏ dùng trong đám cưới; sợi chỉ trắng dùng trong lễ buộc chỉ cổ tay khi gia đình có người thân mất đi... Đặc biệt, sợi chỉ này khi đã buộc vào cổ tay thì không được tự tháo ra mà phải để cho sợi chỉ đó tự đứt, có như vậy mới giữ được ý nghĩa của lễ buộc chỉ cổ tay...”- ông Hồng nói.
 
 
Buộc chỉ cổ tay trong lễ “giải hạn” tại gia đình anh Lang Đình Tiệp, tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Ảnh: nhân vật cung cấp
 
Trong khi đó anh Lang Đình Tiệp trú tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) thì chia sẻ: "Nghi lễ này không chỉ đem lại may mắn mà còn cho chúng tôi cảm giác bình an trong cuộc sống, bản thân tôi cũng mới trải qua lễ buộc chỉ cổ tay trong ngày sinh nhật của con nên tôi cảm thấy rất an tâm và hạnh phúc...”.
 
Cũng theo anh Tiệp, lễ buộc chỉ cổ tay không chỉ cầu cho bản thân mình và người thân trong gia đình mà lễ còn có thể cho người khác, như mỗi dịp nhà có khách thân thiết hoặc bàn bè thân đến nhà chơi, lễ buộc chỉ cổ tay cũng có thể làm, bởi theo quan niệm của người Thái nơi đây, khi mình cầu điều tốt lành cho người khác, tất nhiên họ sẽ cầu chúc điều tốt lành đến với mình...