Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Vinh) đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Đình Ngọc (SN 1994), trú tại huyện Đô Lương, là Giám đốc Công ty CP Thiết kế kiến trúc và Đầu tư xây dựng Kiến Gia Hưng và Nguyễn Thanh Tịnh (SN 1992), Phó Giám đốc công ty này.
Được biết, Công ty CP Thiết kế kiến trúc và Đầu tư xây dựng Kiến Gia Hưng có trụ sở tại chung cư Hadico 30, xã Nghi Phú, TP Vinh bị phát hiện có nhiều vi phạm về làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Khai nhận tại cơ quan điều tra, với mỗi bộ hồ sơ giả để dự thầu, các đối tượng trên thu từ 20 đến 30 triệu đồng của doanh nghiệp, nhà thầu. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng máy tính để làm giả con dấu, chữ ký của một số ngân hàng trong các tài liệu như bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, cam kết tín dụng…
Đặc biệt, các đối tượng khai nhận, đã thực hiện làm giả HSDT cho một số doanh nghiệp không có đủ năng lực để tham gia dự thầu. Cơ quan điều tra nhận định, hành vi này dẫn đến gây mất công bằng trong quá trình đấu thầu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dễ thất thoát ngân sách nhà nước…
Theo chia sẻ của một số nhà thầu, hiện còn những nhà thầu yếu kém móc nối với những đối tượng xấu để “phù phép” các tài liệu của ngân hàng nhằm qua mặt chủ đầu tư, bên mời thầu. Do đó, việc khởi tố vụ án nêu trên có tính răn đe rất lớn đến các nhà thầu, cũng là bài học cảnh tỉnh đến nhiều chủ đầu tư.
Thực tế đã chứng minh hệ lụy của hành vi sử dụng tài liệu giả của ngân hàng khi dự thầu. Tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bị khởi tố do để xảy ra nhiều sai phạm tại Ban Quản lý khu di tích (QLKDT) Gò Tháp khi triển khai Dự án Tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ.
Theo cáo trạng, Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Mỹ thuật Tượng đài Ánh Dương (Công ty Ánh Dương) đã ký hợp đồng với Ban QLKDT Gò Tháp thi công xây dựng công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ.
Để đảm bảo thực hiện hợp đồng và nhận tiền tạm ứng, Dương đã làm giả 2 chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng nộp cho Ban QLKDT Gò Tháp để nhận tạm ứng thực hiện thi công. Khi Chủ đầu tư đến ngân hàng nơi Công ty Ánh Dương gửi tiết kiệm để rút tiền, thu hồi số tiền tạm ứng thì mới phát hiện các giấy tờ trên đều là giả. Tổng cộng, Dương chiếm đoạt số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Trong đó, nợ tạm ứng gần 2 tỷ đồng, nợ khối lượng chưa thi công hơn 1,5 tỷ đồng và phạt vi phạm hợp đồng hơn 184 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, số lượng nhà thầu bị chấm hợp đồng với lý do “không còn khả năng tài chính để tiếp tục thi công” rất phổ biến. Tại các gói thầu này, chất lượng và tiến độ thi công bê bối, chậm trễ, kéo dài nhiều năm dù chủ đầu tư liên tục nhắc nhở, đốc thúc.
“Chúng tôi giật mình và tìm hiểu lý do tại sao nhà thầu lại yếu kém đến thế về tài chính trong khi HSDT lại rất đẹp? Thực tế, phần nhiều các tài liệu chứng minh khả năng tài chính đều là tô vẽ, giả mạo. Nhưng do quá tinh vi, hoàn hảo nên chủ đầu tư khó phân biệt thật giả, hoặc không có thời gian để đi xác minh với ngân hàng”, một chủ đầu tư chia sẻ.
Theo một chuyên gia đấu thầu, một số chủ đầu tư không kiểm tra, rà soát tính hợp pháp của các tài liệu liên quan đến chứng minh tài chính, đặc biệt là các chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng, là do khâu đánh giá HSDT chưa chặt chẽ, làm chưa hết trách nhiệm. Cùng với việc không ít chủ đầu tư quá lỏng lẻo trong quá trình chi tạm ứng cho nhà thầu, tự ý cho nhà thầu tạm ứng trước số tiền tương ứng cho phần phát sinh bằng cách nghiệm thu trước các mục chưa thi công… đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng làm thất thoát ngân sách.
Khi có dấu hiệu bất thường trong HSDT, bên mời thầu cần xác minh cẩn trọng để tránh tình trạng giả mạo, ngăn chặn nhà thầu kém năng lực ngay từ bước lựa chọn nhà thầu khi phát hiện gian lận, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh để tăng hiệu quả răn đe./.