xong-mui-hong-tai-nh-1645423172.jpg
Nếu lạm dụng xông mũi, họng và sông không đúng cách tại nhà có thể gây tổn thương niêm mạc đường thở. Ảnh: TG

Thời gian qua, nhiều người dân thực hiện việc xông mũi, họng bằng gừng và tỏi hoặc sả tại nhà để phòng và thậm chí điều trị COVID-19. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi áp dụng cách thức này cảm thấy niêm mạc đường thở có “vấn đề”.

Cụ thể, bà Bùi Thị Thuận (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, mỗi ngày bà thường bỏ vào nồi từ 3 - 5 cây sả và nhánh gừng, sả kết hợp với vài tép tỏi, sau đó đun sôi, lấy khăn trùm lên qua đầu, đưa mặt vào gần nồi để xông mũi, thời gian thực hiện khoảng 10-15 phút, mỗi ngày bà thực hiện 2 lần, khi cảm thấy có dấu hiệu bị cảm cúm do thay đổi thời tiết bà sông đến 4 lần/ngày để phòng dịch.

Theo bà Thuận, gừng có tác dụng giữ ấm cơ thể, còn sả, tỏi tác dụng chống nhiễm trùng, có thể làm giảm các triệu chứng sổ mũi, khô họng... giúp cơ thể khỏe mạnh hơn nên bà thường xuyên tin dùng. Nhưng khoảng 2 ngày trở lại đây, bà bất đầu cảm thấy niêm mạc đường thở có “vấn đề” và một số vùng da mặt bị khô ráp.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 20.2, là người trực tiếp tham gia nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị tại nhà - Bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết, trong quá trình tư vấn và điều trị cho F0, ông nhận thấy, nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và thường làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội.

Cụ thể, theo bác sĩ Thiệu, việc xông mũi, họng với gừng, sả… có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng và là một phương pháp thư giãn nhưng nếu lạm dùng quá nhiều lần trong một ngày sẽ dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài. Và cách này cũng không phải là phương pháp điều trị COVID-19.

"Người dân và những F0 điều trị tại nhà cần chú ý tìm hiểu thông tin chính thống từ những nguồn đáng tin cậy, tránh tìm hiểu thông tin theo dạng kinh nghiệm, rỉ tai nhau trên mạng xã hội để phòng và chống dịch đúng cách", bác sĩ Thiệu nói.

Sau khi khỏi, người bệnh vẫn cần lưu ý các vấn đề về dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng, thực hiện những bài tập phục hồi như tập thở. Ngoài ra, F0 cũng cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin cậy, tự theo dõi sức khỏe và biểu hiện của chính mình, giữ tinh thần lạc quan, điều chỉnh cuộc sống bằng các hoạt động tích cực với gia đình và xã hội.

Cùng quan điểm trên, thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng -Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) cho hay, việc xông hơi, đánh gió không có tác dụng tiêu diệt virus.

Bác sĩ Hoàng khẳng định, xông hơi, đánh gió giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, tuy nhiên nếu thực hiện quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.

Vị bác sĩ khuyến cáo, người dân chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên nhiều hơn 1 lần mỗi ngày. Nếu ngạt mũi nhiều thì nên nhỏ mũi nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B.

Ngoài ra bác sĩ Hoàng cũng lưu ý, trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay. Người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể... khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã.