Tạp chí chuyên về khoa học New Scientist ngày 15/12 đưa tin, Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ ngày 14/12 đã công bố một thông tin quan trọng: 60 năm sau khi NASA đặt ra mục tiêu, tàu thăm dò Mặt trời Parker vào ngày 28/4/2021 đã bay thành công qua vành nhật hoa của Mặt trời, cũng là bầu khí quyển ngoài cùng của Mặt trời. Từ trường của ngôi sao này đã được đo lường và phân tích.
Thomas Zurbuchen - người đứng đầu dự án khoa học của NASA - cho biết, việc tàu thăm dò Parker "chạm" vào Mặt trời là một "kỳ tích không thể tưởng tượng nổi".
"Sự kiện quan trọng này không chỉ cung cấp cho chúng ta thông tin để hiểu biết sâu sắc hơn về sự tiến hóa của Mặt trời và tác động của ngôi sao này lên hệ mặt trời, mà nó còn cho phép chúng ta có thêm kiến thức về phần còn lại của vũ trụ".
Tàu thăm dò Parker được phóng vào không gian năm 2018. Nó được đặt theo tên của nhà vật lý thiên văn Eugene Parker vì nhiều nhà khoa học - trong đó có ông - hy vọng rằng tàu thăm dò Mặt trời này có thể trả lời một loạt câu hỏi cơ bản về gió mặt trời.
Theo thông tin trên trang web chính thức của NASA, không giống như Trái đất, Mặt trời không có bề mặt rắn mà có bầu khí quyển với nhiệt độ rất cao. Dựa vào lực hấp dẫn và từ trường mạnh, các loại khí ở nhiệt độ cao tạo nên Mặt trời được ngưng tụ lại với nhau. Nhưng dòng nhiệt và áp suất tăng sẽ đẩy các vật chất này ra xa khỏi Mặt trời. Khu vực bề mặt của Mặt trời mà tác dụng của lực hấp dẫn và từ trường tương đương với lực đẩy được gọi là bề mặt tới hạn Alfing, đánh dấu sự kết thúc của bầu khí quyển Mặt trời và sự bắt đầu của gió mặt trời.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của bề mặt Alfing, và chỉ có thể ước tính gần đúng rằng nó cách bề mặt Mặt trời khoảng 10-20 lần bán kính Mặt trời, tương đương với 4,3-8,6 triệu dặm.
Vào tháng 4 năm nay, nhóm nghiên cứu của NASA nhận ra rằng, tàu thăm dò Parker đã đi vào bầu khí quyển lần đầu tiên. Trong chuyến bay gần Mặt trời lần thứ 8, tàu thăm dò đã ghi lại tất cả dữ liệu về các loại từ trường và các hạt đặc biệt trong khu vực ranh giới giữa phần cuối của bầu khí quyển Mặt trời và phần đầu của gió mặt trời. Vị trí này cách bề mặt Mặt trời khoảng 8,1 triệu dặm.
Theo thông báo của NASA, trong lần bay gần Mặt trời vào tháng 4 này, tàu thăm dò Parker đã bay vào và bay ra khỏi vành nhật hoa nhiều lần. Dữ liệu thu được đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về bề mặt Alfing.
Theo nghiên cứu, cấu trúc khí quyển của Mặt trời có thể được chia thành 3 tầng từ trong ra ngoài: quang quyển, sắc quyển và nhật hoa. Điều đặc biệt là nhiệt độ của vành nhật hoa cao hơn rất nhiều so với bề mặt của Mặt trời, nhiệt độ nóng nhất được phát hiện là khoảng 1 triệu °C, còn bề mặt của ngôi sao này là khoảng 6000°C. Tàu thăm dò Parker hy vọng có thể tìm ra bí ẩn của điều này.
Theo tờ New Scientist, trước khi sứ mệnh của tàu thăm dò Parker kết thúc, nó sẽ tiến hành 21 lần "tiếp xúc gần" với Mặt trời trong bảy năm. Lần quan trọng nhất là vào năm 2024, khi nó sẽ đạt khoảng cách khoảng 3,9 triệu dặm so với bề mặt của Mặt trời.
Để có thể "chạm" vào Mặt trời ở cự ly gần, tàu thăm dò Parker được trang bị một tấm chắn composite làm từ carbon dày 4,5 inch, có thể chịu được nhiệt độ cao gần 1371°C, để đảm bảo rằng tàu thăm dò và thiết bị nghiên cứu khoa học bên trong có thể hoạt động trong mức nhiệt độ bình thường./.