Từ lâu, trong bữa cơm của người Mông Nghệ An luôn có 1 món ăn “đặc biệt” là tô nước lã. Điều này xuất phát từ nguyên nhân sâu xa trong truyền thống cộng đồng dân tộc này.
Lên đến các bản làng người Mông ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong không khó để bắt gặp trong bữa cơm hàng ngày của họ đều có 1 tô nước lã. Ban đầu, chúng tôi đều nghĩ rằng tô nước lã ấy chỉ dùng để uống theo kiểu “cơm khó nuốt quá thì uống” hay gia đình nghèo quá không có thức ăn nên lấy nước lã làm canh. Nhưng thật bất ngờ, khi chứng kiến trong bữa ăn ấy có đủ thịt cá, canh rau nhưng người Mông vẫn sử dụng nước lã.
Tô nước được múc trực tiếp từ bể vào để ngay trong mâm cơm. Mỗi người mỗi chiếc thìa vừa để xúc cơm vừa để múc thức ăn. Cứ vài ba miếng cơm và thức ăn họ lại múc 1 thìa nước lã kèm theo như người ta sử dụng canh vậy. Đơn giản là thế nhưng người Mông lại ăn rất ngon lành và rất “vào cơm”. “Phải ăn như thế mới có đủ sức để leo rừng, lên rẫy chứ” - một chàng trai người Mông nhìn chúng tôi cười khà.
Già làng Vừ Giống Dênh ở bản Huồi Giảng 3 (xã Tây Sơn - Kỳ Sơn) cho chúng tôi hay, trong bữa cơm của người Mông dù có đầy đủ thịt cá cũng phải có tô nước lã. Điều này vốn đã trở thành tập quán của dân tộc Mông.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có 2 vợ chồng người Mông đã già yếu và mang bệnh nặng. Dù gia đình đã tìm đủ mọi thuốc thang và mời thầy mo về cúng để đuổi con ma bệnh ra ngoài nhưng ông bà vẫn không khỏe lên được.
Khi biết mình sắp sửa qua đời, ông bà gọi con cháu lại và bảo rằng: Bố mẹ sợ không qua khỏi, trước khi nhắm mắt về với “Tủa sò” chỉ muốn ăn cơm trộn với nước lã để tâm hồn được thanh thản, sạch sẽ. Ngay lập tức, họ mang 2 bát cơm trộn với nước sạch múc từ khe suối đầu nguồn về cho ông bà ăn. Ăn xong, 2 người cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm và một lát sau, cả 2 đều khỏe lại như chưa hề có bệnh gì. Con cháu đều vui mừng phấn khởi. Kể từ đó, trong bữa cơm của người Mông đều có 1 tô nước lã.
Nước lã là "món" không thể thiếu trên mâm cơm.
Theo cụ Vừ Giống Dênh, khi người Mông không còn ăn được cơm với nước lã thì đó là lúc con người không còn sức sống nữa. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện đó còn có nguyên nhân liên quan đến cuộc sống lam lũ, vất vả của cộng đồng này. Ngày trước, đời sống của họ còn gặp nhiều khó khăn, quanh năm cư ngụ trên các đỉnh núi cao nhiều thú dữ nên việc kiếm cái ăn rất vất vả. Sáng đi làm khi con gà chưa cất tiếng gáy, tối về thì gà đã lên chuồng rồi. Vì vậy, để tiết kiệm và tranh thủ thời gian, người Mông dùng cơm với nước lã cho tiện. Càng ngày càng quen, cho đến tận bây giờ họ vẫn không từ bỏ thói quen đó. Nhưng hiện nay, để đảm bảo vệ sinh, nhiều người đã bỏ nước lã và dùng nước sôi để nguội ăn với cơm.
Bữa ăn của học sinh nghèo người Mông chỉ là 1 nồi cơm với 1 can nước lã dựng ngay bên cạnh.
Như vậy có thể thấy rằng, cùng với những món ăn khác, việc ăn cơm với nước lã đã trở thành một nét văn hóa trong ẩm thực người Mông xứ Nghệ./.