nguoinghe.vn
Quang cảnh kỳ họp

Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.

nguoinghe.vn
Các đại biểu dự kỳ họp
nguoinghe.vn
Các đồng chí điều hành nội dung kỳ họp

Từ sau kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 19 đến nay, thực tiễn sinh động từ yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh tiếp tục đặt ra những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi HĐND tỉnh phải kịp thời giải quyết, tạo cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp để hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 20 – kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, thống nhất biểu quyết thông qua 18 nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề an sinh - xã hội, quốc phòng - an ninh; thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; phân bổ các nguồn ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính

nguoinghe.vn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An báo cáo tóm tắt các tờ trình dự thảo nghị quyết
 
 

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nghệ An thực hiện sắp xếp 92 đơn vị hành chính (65 đơn vị không đủ tiêu chuẩn và 27 đơn vị đủ tiêu chuẩn liền kề) thành 44 đơn vị (trong đó 43 đơn vị thành lập mới và 01 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số), sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 48 đơn vị hành chính.

HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh. Cụ thể: Sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò (07 phường) có diện tích tự nhiên 29,12 km2, quy mô dân số 77.813 người và điều chỉnh một phần huyện Nghi Lộc có diện tích tự nhiên 32,14 km2, quy mô dân số 45.130 người (bao gồm 04 xã: xã Nghi Xuân, xã Phúc Thọ, xã Nghi Thái, xã Nghi Phong) vào thành phố Vinh. Thành lập các phường thuộc thành phố Vinh: Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú và Nghi Đức.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Vinh: Sáp nhập toàn bộ phường Hồng Sơn và phường Vinh Tân lấy tên là phường Vinh Tân; Sáp nhập toàn bộ phường Đội Cung, phường Lê Mao, phường Quang Trung lấy tên là phường Quang Trung.

Thống nhất thông qua các dự thảo Nghị quyết liên quan đến đời sống dân sinh

HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết quy định định mức chi ngân sách nhà nước thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Nội dung hỗ trợ dự án, kế hoạch, phương án phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thì hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng chi phí thực hiện 01 dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 70% tổng chi phí thực hiện 01 dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khó khăn; không quá 50% tổng chi phí thực hiện 01 dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cơ quan phê duyệt dự án, kế hoạch quyết định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện 01 dự án, kế hoạch nhưng không quá 5 tỷ đồng.

bieu-quyet638533555942828890-1717746168.jpg
 
nguoinghe.vn
Các đại biểu ấn nút biểu quyết dự thảo Nghị quyết

Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, hỗ trợ tối đa không quá 95% tổng kinh phí thực hiện 01 dự án, phương án sản xuất trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 80% tổng kinh phí thực hiện 01 dự án, phương án sản xuất trên địa bàn khó khăn; không quá 60% tổng chi phí thực hiện 01dự án, phương án sản xuất trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cơ quan phê duyệt dự án, phương án quyết định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện 01 dự án, phương án nhưng không quá 5 tỷ đồng.

HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 – 2030. Theo đó, chính sách hỗ trợ gồm: Thiên tai do sạt lở đất, sụt lún, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng; vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; ô nhiễm môi trường, các làng chài trên sông nước; và khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ từ 40 - 50 triệu đồng với hình thức bố trí ổn định dân cư tập trung tùy theo từng đối tượng quy định. Hỗ trợ từ 100 - 250 triệu đồng đối với hình thức bố trí ổn định dân cư xen ghép tùy theo từng đối tượng quy định.

nguoinghe.vn
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu bế mạc kỳ họp

Tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện các Nghị quyết vừa được thông qua

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để các nghị quyết vừa được thông qua sớm phát huy hiệu quả.

Trong đó, đối với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh, đây là vấn đề lớn, quan trọng, phức tạp, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, sớm ổn định về mọi mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị tốt Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ, sâu rộng về chủ trương, phương án sắp xếp, mở rộng đơn vị hành chính theo kế hoạch, góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân.

Đề nghị cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, thị xã tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh triển khai hiệu quả việc sắp xếp, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính trên địa bàn, bảo đảm sự ổn định, thống nhất và liên tục của các địa phương; chủ động phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách các cấp gắn với chuẩn bị tốt phương án nhân sự đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tạo không khí phấn khởi, thi đua lao động – sản xuất, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; chủ động nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Đối với việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công, nhất là các công trình có tính liên kết vùng và dự án có tác động lan tỏa như: Dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2); Dự án Đường giao thông nối Quốc lộ 7C đến đường Hồ Chí Minh; Dự án Bệnh viên Ung bướu Nghệ An giai đoạn 2...; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gắn với trách nhiệm của người đứng đầu được giao nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các nghị quyết về chính sách an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, đề nghị các cấp, các ngành sớm thông tin đầy đủ, triển khai hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến người dân. Thường trực HĐND, các Ban và các đại biểu HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát, kịp thời góp ý và phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền, tài sản Nhà nước và Nhân dân.

Chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 21 – kỳ họp thường lệ giữa năm 2024

Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, cùng với quá trình chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 20, thời gian qua Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan đang tích cực chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 21 – kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 dự kiến diễn ra từ ngày mùng 9 - 10/7/2024. Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất tiếp tục đổi mới tổ chức kỳ họp Thường lệ giữa năm 2024 theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo tại nghị trường, tăng thời gian thảo luận, mở rộng hơn nội dung, lĩnh vực chất vấn. …

Để kỳ họp diễn ra thành công, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ban HĐND tỉnh ngay từ khâu chuẩn bị nội dung dự thảo Nghị quyết, tổ chức thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình và gửi tài liệu đầy đủ, kịp thời cho các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu.

Các đại biểu HĐND tỉnh cần dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu sâu kỹ các dự thảo nghị quyết và báo cáo để thảo luận, góp ý có chất lượng; tích cực nắm bắt, nghiên cứu tình hình thực tế tại địa phương để tham gia thảo luận, chất vấn, đề ra các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn sát đúng, hiệu quả. Tiếp tục trau dồi kỹ năng hỏi, tranh luận trên nghị trường, bảo đảm dân chủ, khách quan, rõ nội dung, đúng trọng tâm. 

Các Ban HĐND tỉnh tiếp tục chủ động trong khảo sát, nắm bắt tình hình, làm việc với các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan để phục vụ công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp có chất lượng; chủ động rà soát kỹ lưỡng các dự thảo nghị quyết sau thẩm tra, tiếp thu, giải trình của các cơ quan chủ trì soạn thảo.

“Hơn 5 tháng qua, mặc dù phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức nhưng tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt. Đặc biệt, vào chiều ngày hôm qua, kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa 15 đã thảo luận tại Hội trường đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Nhiều ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội đều bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ đối với việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển của tỉnh Nghệ An, làm căn cứ quan trọng để Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết vào cuối kỳ họp. Đây là những tiền đề, động lực hết sức quan trọng để các cấp, các ngành trong toàn tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết liệt, quyết tâm, nỗ lực thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và những năm tiếp theo” –Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh.

Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua các dự thảo Nghị quyết:

 1.     Nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất tại 4 Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh.

 2.     Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai và khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 3.     Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch vốn nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm trên địa bàn tỉnh.

 4.     Nghị quyết phân bổ dự toán ngân sách trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.

 5.     Nghị quyết cho ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

 6.     Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án: Cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Nghĩa Xuân - Minh Hợp - Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp.

 7.     Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án: Tuyến đường trục D1, thị xã Thái Hòa (giai đoạn 1)

 8.     Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án: Tuyến đường tránh QL48 đoạn qua trung tâm đô thị Thái Hòa (giai đoạn 1).

 9.      Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án: Đường giao thông nối QL46 đi xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương với xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn và Quốc lộ 15.

 10.  Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách địa phương đợt 3 năm 2024.

 11.  Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh.

 12.  Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù và một số chính sách hỗ trợ đối với huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao.

 13.  Nghị quyết quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.