Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo ở Glasgow vào tháng trước, người đứng đầu nước Mỹ đã ca ngợi vị trí lãnh đạo “quan trọng” trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và “cam kết vững chắc” của Jakarta đối với các giá trị dân chủ.
Nhưng so với những tuyên bố nồng nhiệt này, tình hình thực tế của những tương tác giữa Mỹ với đất nước đông dân thứ tư trên thế giới lại khá hời hợt. Điều này không phù hợp với vị thế của nước này ở Đông Nam Á, cũng như vai trò cân bằng quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ cần láng giềng của Việt Nam?
Ông Ben Bland, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy nhận định trong bài viết trên The New York Times rằng, trong phần lớn năm cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Mỹ Biden đã củng cố sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác.
Hành động như vậy rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu mục tiêu thực sự của chính sách cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là đảm bảo một "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", chứ không phải theo đuổi cuộc cạnh tranh cường quốc vì lợi ích riêng của mình, thì Mỹ không thể chỉ dựa vào một vài người bạn cùng thế giới quan.
Mỹ cũng cần xích lại gần hơn với các cường quốc mới nổi đi theo đường lối không liên kết và đôi khi rất cứng rắn như Indonesia, đồng thời giúp các nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hiện nay, láng giềng của Việt Nam duy trì quan hệ chặt chẽ với các đối thủ của Mỹ là Nga và Iran. Ngoài ra, quan hệ của Jakarta với Trung Quốc cũng không ngừng phát triển. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joko, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất.
Trung Quốc chi hàng tỷ USD để xây dựng đường cao tốc, nhà máy điện, một tuyến đường sắt cao tốc và cung cấp khoảng 80% lượng vắc xin chống Covid-19.
Theo ông Bland, hiện giờ là cơ hội tốt để Mỹ và các đồng minh "lấy lòng" Indonesia. Điều này không nên làm cản trở sự trao đổi giữa xứ vạn đảo và Trung Quốc, mà để hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của Joko - ông hy vọng sẽ củng cố di sản chính trị của mình trước khi rời nhiệm sở vào năm 2024 - và giúp đất nước ông trở thành lực lượng sức mạnh mới.
Cho đến nay, Mỹ tỏ ra không mấy mặn mà trong việc thúc đẩy quan hệ với Jakarta. Trong khi, ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc đối với xứ vạn đảo ngày càng lớn.
Nhưng mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc không có nghĩa là thành viên Asean này đã chọn ủng hộ một bên trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Ông Joko dường như đang sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai có thể giúp ông đạt được các mục tiêu cốt lõi như thúc đẩy nền kinh tế.
Kurt Campbell, người lãnh đạo chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Nhà Trắng, từng nói rằng nếu các quốc gia được xếp hạng theo tầm quan trọng cao nhất đối với nước Mỹ nhưng ít người Mỹ biết về họ nhất, thì Indonesia có thể xếp hạng nhất.
Giữa các vấn đề trong nước và một danh sách dài các thách thức chính sách đối ngoại cần được giải quyết, ngay cả khi Mỹ đã bắt đầu tăng cường nỗ lực ở Đông Nam Á, Indonesia một lần nữa dường như bị loại khỏi chương trình nghị sự.
Đầu năm nay, khi Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin lần lượt tới Đông Nam Á, họ đã bỏ qua xứ vạn đảo - tờ Jakarta Post gọi đó là sự "lạnh nhạt".
Tuy nhiên, mới đây, Ngoại trưởng Anthony Brinken đã tới thăm quốc gia Đông Nam Á này. Đây là sự sửa chữa những sơ suất trước đó và rất cần thiết. Nhưng một chuyến thăm không thể thiết lập quan hệ, đặc biệt là khi Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng Indonesia có các cuộc tiếp xúc trực tiếp thường xuyên hơn thì Mỹ nên sử dụng chuyến thăm này để khởi động một cuộc tấn công quyến rũ liên tục nhằm kéo gần đảo quốc đông dân thứ tư thế giới về với mình.
Nhà báo của NYT cho rằng, nếu chính quyền Mỹ muốn xóa tan tuyên bố "Mỹ là một cường quốc không đáng tin cậy và đang suy thoái" của Trung Quốc, thì khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Mỹ sẽ đề xuất vào đầu năm tới phải mang lại tác động rõ ràng. Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia cũng đáng được quan tâm đặc biệt.
Một Indonesia mạnh hơn, giàu hơn không phải lúc nào cũng nhất trí với Mỹ - nhưng Mỹ sẽ thêm một lực lượng đối trọng quan trọng với Trung Quốc ở châu Á./.