Đây là vấn đề đã được đề cập nhiều, thậm chí được quy định rõ trong Nghị định 158/2016 của Chính phủ, tuy nhiên, trên thực tế rất hiếm địa phương kiểm tra, xử lý việc thực hiện.
Vẫn nhan nhản xe cơi thùng chở ngọn
Những ngày này, cùng với cả nước, lực lượng CSGT và Thanh tra GTVT ở tỉnh Nghệ An đã và đang dồn sức cho đợt cao điểm xử lý xe quá khổ, quá tải. Trên các tuyến QL1, QL7, không còn thấy cảnh xe tải có ngọn, cơi nới thành thùng cao 3 - 4 thớt nối đuôi nhau. Các tuyến đường giao thông nhờ đó sạch sẽ, bớt ô nhiễm hơn.
Tuy nhiên, đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Chỉ cần rời các tuyến quốc lộ, đi sâu chừng 0,5 - 1km vào các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ chúng ta lại bắt gặp ngay những hình ảnh “quen thuộc”.
Ghi nhận của PV vào những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 ở khu vực huyện Diễn Châu, trên tuyến đường huyện nối từ Diễn Yên (Diễn Châu) sang Đô Thành (Yên Thành), từng đoàn Howo, DongFeng 3 chân, 4 chân kẽo kẹt di chuyển qua đoạn đường gồ ghề. Chúng xuất phát từ 2 khu mỏ ở xã Diễn Yên ra công trường cao tốc Bắc Nam và tỏa đi các tuyến đường trong khu vực. Điểm chung của những xe này là cơi thùng cao, chở có ngọn và không che chắn.
Vừa thấy người lạ về chụp ảnh, ghi hình, chị Hồ T.N (trú xã Diễn Yên) chạy lại phàn nàn: Các chú ở tỉnh hay trung ương về thế?. Về kêu cho bà con xóm 12 chúng tôi với, chúng tôi khổ lắm rồi. Suốt ngày sống chung với bụi, tiếng ồn. Trẻ con cả ngày không dám cho ra đường vì bụi, sợ tai nạn. Còn người lớn đi đường phải mặc áo mưa, bịt khẩu trang kín mít không thì dính đầy bùn đất.
“Sợ nhất là những xe chở đất, đá cho công trình. Cứ nhìn thấy là chúng tôi phải tránh từ xa. Họ đắp cao lênh khênh ra ngoài cả thùng. Có lần xe đi vào ổ gà bị nghiêng, cả cục đá như cái nồi cơm điện rơi xuống, may mà tôi né được”, chị N rùng mình nhớ lại.
Chừng 20 phút đứng tại đây, PV đếm được khoảng 10 lượt xe chạy từ 2 khu mỏ ra, trong đó có quá nửa là xe cơi thùng, chở có ngọn. Các xe này sau khi rời mỏ chạy thêm một đoạn rồi rẽ vào đường công vụ phục vụ thi công cao tốc; cũng có những chiếc xe chạy tiếp ra đường cây xăng Tiến Hương rồi ra QL48 hướng về ngã ba Yên Lý.
Còn trên tuyến đường liên huyện đoạn từ Cầu Yên Lý (cũ) xuống xã Diễn Mỹ, Diễn Hải, lượng xe cơi nới thành thùng tuy có ít hơn, nhưng mật độ xe tải khá lớn.
Ông Cao N.M (trú xã Diễn Mỹ) cho biết: Xe đó chở cho dự án đường ven biển ở dưới Diễn Hải, họ sắp quần nát hết đường rồi. Tôi chẳng hiểu chính quyền và lực lượng chức năng ở đâu mà lại để cho cả xe đầu kéo chạy vào đường dân sinh như vậy.
Đi theo tuyến đường này, PV nhận thấy ở đây đã có nhiều biển hạn chế tải trọng trục <7 tấn. Đoạn cuối tuyến còn có 1 cây cầu hẹp. Mặt đường nhiều chỗ xuất hiện ổ gà, ổ voi sâu hoắm. Còn tuyến đường đê biển bằng bê tông cũng đã hư hỏng gần hết, mặt bê tông xi măng nhiều khúc gãy nứt nham nhở.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở huyện Hưng Nguyên, Quỳ Hợp. Các lái xe, chủ xe là người địa phương thông thuộc địa hình nên khi CSGT, TTGT “làm gắt” trên các tuyến chính QL48, QL46, QL46C, xe quá tải lại đổ dồn về đường quê.
Đem vấn đề trao đổi với lãnh đạo các đội CSGT, PV đều nhận được những lời cam kết "chỉ đạo anh em kiểm tra ngay và xử lý nghiêm" nhưng rồi lại nói "khó".
“Làm triệt để thì xe không chạy, công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh bị ảnh hưởng; chậm tiến độ, chậm giải ngân, chính quyền bị phê bình. Mà khi doanh nghiệp hoạt động, cứ thấy xe chở vật liệu là người dân và cơ quan ngôn luận phản ánh... nhiều lúc thấy mệt mỏi!” - một lãnh đạo Đội CSGT cấp huyện ở Nghệ An chia sẻ.
Chủ mỏ thờ ơ, địa phương lơ là
Trong lúc các lực lượng còng lưng ra xử lý xe quá tải, thì các cấp chính quyền ở địa phương, Sở chức năng và chủ mỏ lại đứng ngoài cuộc.
Năm 2016, để tăng cường công tác kiểm soát khoáng sản và ngăn chặn xe quá tải từ đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158 trong đó có quy định bắt buộc các mỏ phải lắp đặt camera giám sát, lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác. Nhưng trên thực tế, rất hiếm mỏ tuân thủ quy định này. Đơn cử như mỏ đất Rú Thành (xã Hưng Phú, Hưng Nguyên) do Công ty TNHH Xây dựng và TM My Vy khai thác. Mỏ này đã hoạt động được 4 năm, nhưng đến nay ở mỏ chưa có hệ thống camera giám sát, chưa lắp đặt trạm cân. Tất cả các xe vào mua đất đều được bán theo “nhu cầu” của lái xe, chủ xe. Cơi thùng, đắp ngọn, quá tải bao nhiêu cũng được miễn sao trả đủ tiền.
Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và TM My Vy, thừa nhận: Đúng là mỏ chúng tôi chưa lắp cân. Đợt này giá vật tư, nhiên liệu tăng cao quá, các công trình làm cầm chừng nên mỏ cũng không có việc, nghỉ cả tháng nay. Tới đây, khi hoạt động lại chúng tôi sẽ lắp thôi.
Không chỉ các mỏ cũ, mà ngay cả những mỏ vừa mới được cấp phép đầu năm 2022, hầu như chưa có mỏ nào thực hiện. Đơn cử như 2 mỏ đất ở xã Diễn Yên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Phong và Công ty CP DV & TM Tân Thành Yên bắt đầu khai thác từ tháng 3/2022 nhưng đến nay vẫn chưa lắp cân. Khi được hỏi, đại diện Công ty Thanh Phong cho biết: “Mỏ chúng tôi là mỏ đất phục vụ dự án cao tốc nên khi cấp phép không thấy phía Sở TN&MT Nghệ An yêu cầu lắp cân”. (!?)
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho rằng: Tất cả các vi phạm về tải trọng phương tiện đều bắt nguồn từ địa điểm bốc dỡ hàng hóa, các mỏ. Vì vậy, để làm tốt được cái này, trách nhiệm đầu tiên phải là chính quyền cấp xã, cấp huyện; mỏ, đầu mối hàng hóa trên địa bàn thì phải nắm, phải đôn đốc thực hiện. Thứ đến là cơ quan cấp phép cho các đơn vị đó hoạt động, phải kiểm tra yêu cầu thực hiện đúng các quy định mà Chính phủ, các Bộ đã ban hành. Còn chúng tôi chỉ có thể kiểm tra đột xuất khi thấy có dấu hiệu vi phạm, yêu cầu các chủ mỏ ký cam kết hoặc tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước xử lý đối với các chủ mỏ vi phạm.
Ông Phan Huy Chương, Phó Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết: Khi chúng tôi đi kiểm tra cũng phát hiện thấy thực tế này. Nhiều mỏ họ lắp trạm cân, camera theo kiểu đối phó, nơi thì giả lắp để tránh bị phạt, nơi thì lắp mà không cho hoạt động. Trong khi hầu như các huyện không quan tâm đến việc này. Sắp tới đây, khi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo TTATGT những tháng cuối năm 2022, chúng tôi sẽ đưa cụ thể, chi tiết nội dung này và gắn với trách nhiệm của từng sở ngành, từng địa phương và từng lực lượng.
Theo thông tin phía Sở TN&MT Nghệ An cung cấp, hiện nay toàn tỉnh có 273 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, cơ bản các mỏ đã lắp đặt camera giám sát; đối với trạm cân mới chỉ có các mỏ đá là thực hiện, còn lại chưa lắp đặt hoặc lắp đặt một cách đối phó. Sở này cũng đã và đang đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định, trong đó có việc lắp đặt trạm cân. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.
Một cán bộ của Sở cho biết: Dù Chính phủ ban hành Nghị định quy định bắt buộc các mỏ phải lắp đặt cân, camera, tuy nhiên lại không có quy chuẩn cho thiết bị, không hướng dẫn lắp cụ thể ở đâu đối với các loại hình khai thác khoáng sản khác nhau, không có quy định truyền tải dữ liệu và sử dụng dữ liệu như thế nào?. Chính vì lý do này mà xảy ra tình trạng lắp đối phó.
“Vấn đề này đã được các sở và các doanh nghiệp mỏ kiến nghị lên Bộ TN&MT. Chắc rằng thời gian tới đây Bộ sẽ tham mưu để Chính phủ ban hành những quy định mới, chi tiết và phù hợp thực tế hơn”, vị cán bộ cho biết thêm./.