Đâu sẽ là cách tiếp cận của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong vấn đề Afghanistan trong Hội nghị Thượng đỉnh ngày 24/8, đặc biệt là cách ứng xử với lực lượng Taliban đang nắm quyền tại đây?

Hơn 1 tuần sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul và hầu hết lãnh thổ Afghanistan, hôm nay (24/8), hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ diễn ra nhằm thảo luận về tình hình hiện nay ở Afghanistan, theo lời kêu gọi của Anh - nước đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên G7.

Không dễ nuốt trôi thất bại ở Afghanistan, phương Tây sẽ đối phó Taliban ra sao?
Thủy quân Lục chiến Mỹ và các lực lượng liên minh Na Uy hỗ trợ an ninh tại Chốt Kiểm soát Sơ tán nhằm đảm bảo việc sơ tán diễn ra an toàn tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan ngày 20/8. Ảnh: Reuters

Tâm điểm của Hội nghị G7

Anh và các đồng minh phương Tây đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng về vấn đề xử lý cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, khi hàng nghìn người, cả người dân Afghanistan và công dân các nước phương Tây cố gắng tháo chạy khỏi Kabul sau khi Taliban trở lại nắm quyền.

Hội nghị trực tuyến của các lãnh đạo G7 diễn ra vào thời điểm các chiến dịch di tản mà các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Italy... đang thực hiện tại Afghanistan bước vào giai đoạn căng thẳng và khó khăn nhất. Trong vài ngày qua, các vụ đụng độ đã bắt đầu xảy ra quanh sân bay Kabul và theo nhiều báo cáo, đã có khoảng 20 người, bao gồm cả dân thường và lực lượng an ninh Afghanistan thiệt mạng.

Lực lượng Taliban cũng đã bắt đầu mất kiên nhẫn và lên tiếng cảnh báo rằng, Mỹ và các nước phương Tây phải rút quân khỏi Afghanistan, chậm nhất là ngày 31/8 như thỏa thuận ban đầu, nếu không lực lượng này sẽ phản ứng đáp trả. Do đó, một trong những chủ đề thảo luận quan trọng nhất của Thượng đỉnh trực tuyến G7 lần này sẽ là việc liệu Mỹ có kéo dài hạn chót thực hiện chiến dịch di tản đến sau ngày 31/8 hay không. Các quan chức chính phủ Anh đã khẳng định rằng tại cuộc họp, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đề nghị với Tổng thống Mỹ Joe Biden kéo dài hạn chót, vì nếu không sẽ có hàng chục nghìn người trong diện cần di tản bị kẹt lại.

Tuy nhiên, đề nghị này rất khó được Mỹ chấp thuận. Trong cuộc họp báo ngày 22/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng ông không muốn phải kéo dài hạn chót này. Đây sẽ là một thảo luận phức tạp trong nội bộ G7, đặc biệt giữa Anh và Mỹ bởi dù phía Anh muốn kéo dài hạn chót nhưng các quan chức Anh cũng thừa nhận rằng nếu Mỹ vẫn rút quân vào ngày 31/8 thì Anh cũng buộc phải rút theo và chấm dứt chiến dịch di tản do Anh hay bất cứ quốc gia nào khác đều không đủ tiềm lực quân sự và hậu cần để bảo đảm an toàn tại sân bay Kabul.

Hiện tại, gần 6.000 quân Mỹ đang kiểm soát hoàn toàn hoạt động tại sân bay Kabul, từ việc điều hành không lưu, cứu hỏa cho đến đảm bảo an ninh quanh khu vực sân bay và tuần tra không phận Kabul, do đó, việc ở lại hay rút đi của lực lượng này có ý nghĩa sống còn với chiến dịch di tản mà các nước phương Tây đang thực hiện. Các nguyên thủ G7 sẽ phải tìm ra giải pháp cho vấn đề này trước tiên, trước khi bàn về các phương án chính trị khác cho cuộc khủng hoảng Afghanistan.

Lệnh trừng phạt có khiến Taliban “khuất phục”?

Ngay sau khi lực lượng Taliban giành lại quyền lực tại Afghanistan, chính quyền Mỹ đã tuyên bố đóng băng khoảng gần 10 tỷ USD là tài sản của chính phủ Afghanistan đặt trong các ngân hàng Mỹ. Việc đóng băng, ngăn Taliban tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế chắc chắn sẽ còn kéo dài trong thời gian tới và việc phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt khác nhằm vào Taliban là điều có thể dự đoán được. Có hai nguyên nhân chính giải thích cho các động thái này.

Thứ nhất, việc Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan là một cú sốc lớn và là một thất bại toàn diện của các nước phương Tây sau 20 năm can thiệp quân sự và đổ rất nhiều nguồn lực tài chính, quân sự vào Afghanistan nhằm xây dựng một chính thể theo mô hình phương Tây tại quốc gia Nam Á này. Nhiều chính trị gia lớn tại Anh, Mỹ hay Đức coi đây là thất bại đáng xấu hổ nhất của khối quân sự NATO kể từ khi được thành lập năm 1949, là thảm họa về chính sách đối ngoại nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Do đó, phương Tây không dễ dàng chấp nhận một chính quyền do Taliban dựng nên. Các nước như Anh, Mỹ... đã công khai kêu gọi quốc tế không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban.

Lý do thứ hai, đó là phương Tây cần có một vũ khí gây sức ép với Taliban và trừng phạt là một vũ khí có thể lập tức sử dụng. Thông qua việc trừng phạt, phương Tây muốn ép buộc Taliban thực hiện các cam kết ban đầu của lực lượng này như đảm bảo nhân quyền cho người dân Afghanistan và không biến Afghanistan thành cứ địa cho chủ nghĩa khủng bố. Các trừng phạt này có thể sẽ mang lại các tác dụng nhất định trong thời gian tới bởi qua những gì đã thể hiện, lực lượng Taliban hiện nay đang nhiều thay đổi so với cách đây 20 năm, tức là cũng muốn tìm kiếm một sự thừa nhận quốc tế rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, trừng phạt chắc chắn không phải là thứ mà Taliban sợ nhất bởi trong suốt 20 năm qua, Taliban đã sống sót trong cảnh bị bao vây truy đuổi và hầu như không có nguồn viện trợ đáng kể nào từ bên ngoài. Không chỉ thế, lực lượng này còn duy trì và nâng cao được sức mạnh quân sự cũng như trình độ tổ chức để có thể giành lại quyền lực một cách chớp nhoáng sau khi Mỹ rút quân. Vì thế, Taliban hoàn toàn có thể tiếp tục tồn tại lâu dài một khi bị bao vây, đặc biệt là khi giờ đây lực lượng này đã kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan với các nguồn lực cực kỳ to lớn về tài nguyên.

Không dễ nuốt trôi thất bại ở Afghanistan, phương Tây sẽ đối phó Taliban ra sao?

VOV.VN - Hiện tại, người ta biết rằng Liên minh Phương Bắc được trang bị hàng trăm xe bọc thép, vài chục xe tăng và các loại vũ khí khác.

Phương Tây liệu có công nhận Taliban?

Các nước phương Tây sẽ không dễ dàng nuốt trôi thất bại cay đắng tại Afghanistan và sẽ không sớm công nhận chính quyền Taliban. Tuy nhiên, thực tế chính trị vẫn sẽ buộc các nước này đối thoại với Taliban. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thừa nhận rằng, nếu cần thiết thì chính phủ Anh cũng sẽ phải làm việc với Taliban, trước mắt là trong chiến dịch di tản các công dân phương Tây và các cộng sự người Afghanistan khỏi quốc gia này.

Việc đối thoại với Taliban cũng sẽ được đề cập ngay trong các cuộc thảo luận của lãnh đạo G7 lần này. Về lâu dài, như Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đề cập, việc các nước phương Tây có công nhận chính quyền Taliban hay không sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của lực lượng này, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất là nhân quyền và mối liên hệ giữa Taliban với các phong trào cực đoan khác.

Nếu chính quyền Taliban không áp đặt các luật lệ quá hà khắc hay dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố quốc tế thì khả năng phương Tây công nhận chính quyền này là hoàn toàn có thể. Nói cách khác, ưu tiên chiến lược nhất với phương Tây hiện nay là ở việc làm sao để một đất nước Afghanistan mới không trở thành bàn đạp cho các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây, nhưng sau hơn 20 năm can thiệp quân sự thất bại, phương Tây sẽ chỉ còn vũ khí ngoại giao và tài chính để thực hiện nhiệm vụ ưu tiên này.

Cách tiếp cận này khác so với Nga hay Trung Quốc bởi từ nhiều năm qua, Nga và Trung Quốc đã nhìn thấy trước thất bại của chính phủ thân phương Tây tại Afghanistan và đã dự đoán trước được chiến thắng của Taliban nên đã có những bước đi trước nhằm thiết lập quan hệ. Nga và Trung Quốc cho rằng nên trao cơ hội cho Afghanistan xây dựng đất nước dưới một chính thể mới và kiên nhẫn chờ đợi trước khi vội vã can thiệp. Do vị trí địa chính trị rất quan trọng của mình, Afghanistan đều có vai trò lớn trong chính sách an ninh của Nga và Trung Quốc và các động thái vào thời điểm này cho thấy Nga và Trung Quốc đều đang tiếp cận Taliban một cách chủ động và thận trọng./.

Không dễ nuốt trôi thất bại ở Afghanistan, phương Tây sẽ đối phó Taliban ra sao?

VOV.VN - Những diễn biến ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng đến tình hình địa – chính trị khu vực như thế nào và đem đến sự thay đổi cán cân quyền lực ra sao trước sự trở lại của Taliban sau 2 thập kỷ?