Bộ LĐ-TB&XH cho biết cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxine. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Giai đoạn 2010-2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485.000 ha (trung bình đạt gần 50.000 ha/năm, tăng 35% so với giai đoạn trước) với ngân sách dành cho công tác rà phá bom mìn là 12.614 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài là 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).
Tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích.
Về chính sách đối với các nạn nhân của bom mìn, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, có khoảng 3,4 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng; 100% người khuyết tật nặng là nạn nhân bom mìn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, gia đình nạn nhân bom mìn thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng 1 định xuất nuôi dưỡng, chăm sóc.
Hiện nay, các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ tại các huyện, các xã.
Bên cạnh đó, hệ thống bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa phục hồi chức năng tiếp tục được đầu tư củng cố và phát triển từ Trung ương đến địa phương./.