Ukraine là một quốc gia rộng lớn ở châu Âu, có ví trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhiều học giả đã từng ví Ukraine như "một nàng thiếu nữ xinh đẹp tuổi trăng tròn" đứng ở công viên giữa bình minh rợp nắng.
Chính vì xinh đẹp như một cô gái tuổi trăng tròn, nên Ukraine từng trải qua nhiều biến cố thăng trầm trong lịch sử do nạn tranh giành quyền lực, cát cứ và chiến tranh.
Lịch sử Ukraine có từ khoảng năm 4500 trước Công Nguyên, nhưng thời kỳ hoàng kim chỉ thực sự bắt đầu từ khoảng thế kỷ IX, khi vùng đất này trở thành trung tâm của nền văn minh Đông Slav với quốc gia mang tên Rus Kyiv hùng mạnh, tồn tại đến thế kỷ XII. Khi đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn trỗi dậy và bành trướng, Rus Kiev bị Mông Cổ đánh tan và chịu cảnh nô lệ suốt nhiều thế kỷ.
Sau khi Mông Cổ suy yếu, lãnh thổ của Ukraine lại bị phân chia bởi nhiều thế lực khác nhau ở Châu Âu như: Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Đến thế kỷ XIX, khi nước Nga hùng mạnh đánh bại các địch thủ còn lại, hầu hết lãnh thổ của Ukraine đã nằm trong Đế chế Nga.
Năm 1922, Ukraina là một nước đồng sáng lập Liên bang Xô Viết và trở thành một nước cộng hòa theo thể chế xã hội chủ nghĩa nằm trong Liên Xô. Năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ, Ukraine lại trở thành một quốc gia độc lập. Từ đó đến nay, Ukraina đã tiến hành mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường và trở thành quốc gia có trình độ phát triển ở Đông Âu. Tuy nhiên, cũng kể từ lúc Liên bang cộng hòa Xô Viết tan rã, tình hình Ukraine ngày càng trở nên phúc tạp hơn qua nhiều cuộc binh biến.
Năm 1991, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Ukraine tuyên bố độc lập, từ đó đến nay đã trải qua 21 năm. Trong suốt thời gian đó, Ukraine liên tục chìm trong sự bất ổn về chính trị. Bắt đầu từ cuộc "Cách mạng cam" năm 2004, đến cuộc lật đổ chính phủ năm 2014, các chính quyền ở Ucraina đều tập trung vào vấn đề "bài nga" để hưởng tới "chân trời mơ ước" Châu Âu theo kiểu "bán anh em gần, mua bè bạn xa".
Giấc mơ gia nhập EU và trở thành thành viên NATO đã khiến cho các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Ucraina, quyết tâm "theo hình bắt bóng" mà quên đi những giá trị bất biến, gắn bó về văn hóa giữa hai đất nước, con người Ucraina và Nga qua nhiều thể kỷ. Chính vấn đề này đã tạo nên một khoảng cách, một hố sâu mâu thuẫn ngày một lớn trong chính nội bộ đất nước Ucraina. Và "điều gì đến, ắt nó phải đến".
Năm 2014, sau khi Ukraine có một chính quyền mới, người dân trên bán đảo Crimea đã quyết định sáp nhập với Nga sau cuộc trưng cầu dân ý. Tiếp theo đó, hai tỉnh Donetsk và Lugansk, (gọi chung là vùng Donbass) nằm ở miền Đông Ukraine, tuyên bố ly khai.
Tháng 5/2014, hai tỉnh này đã tuyên bố độc lập với tên gọi Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk, sau khi thực hiện các cuộc trưng cầu dân ý.
Ngày 21/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận 2 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine là các vùng độc lập và ra lệnh cho quân đội Nga triển khai chiến dịch "gìn giữ hòa bình" tại các khu vực này. Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa Ukraine. Quân đội Nga đồng loạt tiến công toàn diện vào lãnh thổ Ukraine. Sự kiện này đang dấy lên một sự phán ứng gay gắt của cộng đồng thế giới đối với Nga.
Cuộc chiến Nga - Ucraina, đến nay đã diễn ra gần chục ngày. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá huỷ; nhiều sân bay, bến cảng, hệ thống giao thông bị đánh phá hư hại nghiêm trọng; hơn 1 triệu người dân Ukraine chạy sang Ba Lan, Moldova và các nước láng giềng lánh nạn và con số này đang ngày một tăng chưa có hồi kết.
Theo số liệu được quân đội Nga công bố, các đơn vị thuộc quân đội Ukraine và các lực lượng bán quân sự cực hữu của Ukraine đã mất ít nhất 2.870 người và khoảng 3.700 binh sĩ bị thương, khoảng 572 binh sĩ Ukraine bị bắt làm tù binh.
Về phía Nga, số liệu của Bộ Quốc Phòng xác nhận đã có 498 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và gần 1.600 người bị thương. Hàng ngàn phương tiện chiến tranh của cả hai phía bị phá hủy, nhiều thành phố của Ukraine đang bị lực lượng Nga bao vây và chìm trong những trận tấn công bằng hỏa lực không quân, pháo binh và tên lửa.
Chiến tranh, hậu quả của nó gắn liền với những đau thương và mất mát. Khi một viên đạn trên chiến trường được bắn ra, dù bên này, hay phía bên kia, sẽ có một người lính ngã xuống, điều đó có nghĩa là sẽ có một người mẹ mất con, một người vợ mất chồng, con sẽ mất một người cha, điều này không ai muốn mà chỉ biết nén lòng chịu đựng.
Đau thương, mất mát đang phủ bóng đen lên đất nước Ukraine. Trước thực tế đó, châu Âu, Liên Hợp Quốc, và cả hai bên tham chiến đã nhất trí mở một hành lang nhân đạo, tạo điều kiện để bảo vệ thường dân vô tội.
Cuộc chiến Nga - Ukraine, đang ở giai đoạn quyết liệt chưa có hồi kết. Nhưng chúng ta tin, cuộc chiến này cũng sẽ có hồi kết. Và khi đó hậu quả nó để lại sẽ thật khủng khiếp: Đất nước Ukraine xinh đẹp bị tàn phá; một thảm họa nhân đạo sẽ diễn ra cho thế giới; một sự suy thoái nghiêm trọng về kinh tế đối với đất nước Nga do sự cấm vận của Mỹ và EU.
Kinh tế thế giới sa sút nghiêm trọng sẽ diễn ra tiếp sau thảm họa đại dịch Covid - 19 và một cuộc chạy đua vũ trang mới trên thế giới lại bắt đầu.
Là một dân tộc đã từng trải qua chiến tranh, chúng ta hiểu được cái giá của độc lập, tự do, của hòa bình và hữu nghị. Chính vì vậy mà chúng ta chia sẻ và đồng cảm với người dân Ukraine và những lo lắng của cộng đồng quốc tế.
Chúng ta mong muốn cả hai bên tham chiến hạ nhiệt, ngồi vào bàn đàm phán, tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ukraine và ổn định cho châu Âu. Đồng thời chúng ta cũng mong muốn các quốc gia trên thế giới có cách nhìn và đánh giá khách quan đối với cả hai phía trong cuộc này, để tìm ra một giải pháp thích hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả Nga và Ukraine./.