jjj-1728639891.jpg
Điểm du lịch cộng đồng tại bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, Con Cuông

Đoàn đã đến khảo sát tại xã Môn Sơn, xã biên giới của huyện Con Cuông, tiếp giáp với nước bạn Lào, nơi có đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Môn Sơn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan trải nghiệm hàng năm.

988-1728639939.PNG
Đoàn khảo sát không gian trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm bản Xiềng

Tại Môn Sơn, điểm đầu tiên đoàn đến khảo sát là bản Xiềng, bản có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Đây là điểm du lịch cộng đồng được hình thành thứ 2 của huyện Con Cuông, là điểm duy nhất ở miền Tây xứ Nghệ có mô hình câu lạc bộ ngoại ngữ cộng đồng. Ở dây có nhiều hộ gia đình dệt thổ cẩm và đã hình thành hợp tác xã dệt thổ cẩm. Bản Xiềng có nhiều homestay do người Thái phục vụ, có những cư dân miền sơn cước tiếp xúc với tiếng Anh để có thể trả lời những điều tối thiểu với khách du lịch.

9k-1728639972.PNG
Không gian du lịch cộng đồng bản Xiềng, xã Môn Sơn

Điểm khảo sát thứ 2 là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia nhà cụ Vi Văn Khang nằm ở bản Thái Hòa - nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật vể cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng thời kỳ 1930 - 1931 của cụ Vi Văn Khang, người cộng sản kiên trung, Bí thư chi bộ đầu tiên. Nơi đây gắn với quá trình ra đời và hoạt động của Chi bộ Môn Sơn - Lục Dạ, Chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ, ghi dấu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc vùng khởi nguồn của con sông Giăng.  

ty-1728640003.PNG
Nhà cụ Vi Văn Khang - Di tích lịch sử cách mạng cập quốc gia

Điểm khảo sát tiếp theo là đập Phà Lài. Đập nước được xây dựng từ năm 2000 với mục đích chính là phục vụ nhu cầu canh tác và sinh hoạt của đồng bào. Đây là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất ở miền Tây Nghệ An. Đến nay, Phà Lài đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch Nghệ An nhờ vẻ đẹp bình yên, thơ mộng.   

0l-1728640037.PNG
Đập nước Phà Lài mang vẻ đẹp thơ mộng

Trong đợt khảo sát lần này, Đoàn cũng đến khảo sát tại khe nước Mọc (Tạ Pó) nằm ở xã Yên Khê. Đây là một dòng suối khá lạ bởi nước luôn đầy quanh năm, đầu suối nước tạo thành một hồ bơi tự nhiên tuyệt đẹp, mùa hè mát lạnh nhưng mùa đông lại rất ẩm. Khe nước Mọc đang là điểm tham quan trải nghiệm hấp dẫn của Con Cuông.

57-1728640067.PNG
Khe nước Mọc xã Yên Khê

Sau chuyến khảo sát, Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Con Cuông, thống nhất chọn xã Môn Sơn để triển khai việc xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng.

Môn Sơn được biết đến là mảnh đất hữu tình, non xanh nước biếc, hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh và là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Thái với những nét văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo. Môn Sơn, hiện đang còn lưu giữ được nhiều kiến trúc nhà sàn của người Thái; cảnh sắc tự nhiên của núi rừng miền Tây Nghệ An: cánh đồng ruộng bậc thang, đập nước Phà Lài, Di tích lịch sử cấp quốc gia nhà cụ Vi Văn Khang gắn với lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ; các sinh hoạt văn hóa cộng đồng: cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp, múa lăm vông; các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái; các món ăn ẩm thực mang phong cách riêng của người Thái ở Môn Sơn. Môn Sơn hội tụ đầy đủ các yếu tố về di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng.

Việc triển khai xây dựng mô hình tại huyện Con Cuông sẽ được tiến hành theo đúng đối tượng, nội dung hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong quá trình triển khai, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp chặt chẽ với huyện Con Cuông và chính quyền xã Môn Sơn để đảm bảo tính hiệu quả, tính thực tiễn của địa phương.

Trong quá trình triển khai xây dựng mô hình, Sở Văn hóa và Thể thao cũng sẽ xây dựng 01 bộ phim tài liệu về quá trình xây dựng các mô hình, phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống các dân tộc; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể và phương pháp, kỹ năng xây dựng, nhân rộng mô hình cho các đối tượng nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có úy tín và đồng bào dân tộc thiểu số; cộng đồng dân cư các điểm đến du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và các lĩnh vực có liên quan; các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch tại địa phương; tổ chức thực nghiệm mô hình tại bản Xiềng, xã Môn Sơn./.