Cuối tháng 8/2023, Phóng viên Báo Tầm Nhìn-Tri thức và Cuộc sống nhận được đơn thư kêu cứu của độc giả Tống Thị Thúy Hà, có địa chỉ thường trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội. Nội dung đơn thư, chị Hà cho biết: Chị vô cùng bức xúc trước việc nhân viên Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cố tình “gài bẫy” khách hàng, “đánh tráo” tiền đầu tư của khách hàng thành tiền mua sản phẩm bảo hiểm “Kiến tạo tương lai” của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life).
Sau khi chị Thúy Hà phản ứng vì bị “gài bẫy” mua bảo hiểm, MB Bank có biểu hiện “thoái thác trách nhiệm”, đẩy việc xử lý kiến nghị của khách hàng cho MB Ageas Life. Sau một thời gian đối chất, giải quyết khiếu nại, phía MB Ageas Life chủ động đưa ra phương án xử lý vô hiệu hợp đồng, “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Thế nhưng, vấn đề cốt lõi là hai bên đã cố tình “quên” đi việc đền bù thiệt hại cho khách hàng, chưa trả lãi tiền gửi cho khách hàng dẫn đến việc khách hàng “tố” MB Bank và MB Ageas Life “câu kết chiếm dụng vốn”.
Thực hư câu chuyện này ra sao, hãy cùng PV điểm lại các tình tiết trong đơn thư của độc giả Tống Thị Thúy Hà cũng như những hồi đáp từ phía MB Bank và MB Ageas Life về vụ việc này.
Theo chị Tống Thị Thúy Hà: Vào thời điểm tháng 5/2022, một nhân sự của MB Bank là Dương Thị Thu Hà có gọi điện thoại cho chị, giới thiệu việc ngân hàng MB đang có chương trình gửi tiết kiệm linh hoạt với lãi suất cao, ổn định, rất tốt. Sau đó, tại trụ sở MB Bank chi nhánh Ba Đình (số 3 Liễu Giai), bà Dương Thị Thu Hà giới thiệu cho chị một nhân sự khác là Nguyễn Thị Hạnh Nhân (không nói rõ Nhân làm gì, nên chị Hà mặc nhiên nghĩ Nhân cũng là nhân viên MB chi nhánh Ba Đình) tư vấn chương trình gửi tiền.
Nguyễn Thị Hạnh Nhân đưa ra lời tư vấn “đây là sản phẩm có tính ưu việt nhất tại MB”. Hiểu một cách đơn giản nhất là gửi một số tiền nhất định không rút trong 6 năm ký quỹ sẽ nhận được lãi suất ít nhất 8,9%/ năm, có khi còn được cao hơn. Ngoài ra có thể gửi thêm tiền vào bất cứ thời gian nào vẫn với lãi suất đó. Tiền gửi thêm không được vượt quá 10 lần tiền ký quỹ. Bên cạnh đó, để cố tình mời mọc và gia tăng niềm tin của chị Hà, bà Nhân cho biết, “chương trình gửi còn tặng thêm gói bảo vệ sinh mệnh trị giá 750 triệu”.
“Tôi nói với Nhân là tôi không cần quà tặng đó, với lý do: Tôi có thẻ bảo hiểm y tế, công ty còn mua bảo hiểm khám tại các bệnh viện chất lượng cao cho tôi rồi. Tôi cũng có bảo hiểm nhân thọ. Nhưng chị Nguyễn Thị Hạnh Nhân tư vấn quỹ đầu tư chỉ trong nội bộ của MB nên không có rủi ro, tiền gửi và rút linh hoạt. Tôi cần có thể rút hết sau đó có lại gửi lại. Chị Nhân có cho tôi xem trên Ipad một số quỹ lúc đó đều đang có lãi trên 9%, thậm chí có quỹ đang lãi 12%”, chị Hà chia sẻ.
Chị Thúy Hà cũng khẳng định: “Do tin tưởng vào các nhân viên mà tôi luôn nghĩ đó là nhân viên MB chi nhánh Ba Đình, do họ giao dịch với tôi ở trụ sở MB chi nhánh Ba Đình, quá trình nói chuyện đều đề cập tới MB chứ không đề cập đến một dạng thức bảo hiểm nào khác, nên tôi đã nộp tiền cho ngân hàng này vào ngày 27/5/2022 với số tiền 1.200.000.000 (Một tỷ hai trăm triệu đồng)”.
Sau này chị Thúy Hà mới rõ, Dương Thị Thu Hà đã có hàng loạt hành vi cấu kết, cố tình “gài bẫy” khách hàng, “đánh tráo” tiền đầu tư của chị thành tiền mua sản phẩm bảo hiểm “Kiến tạo tương lai”. Đây là sản phẩm bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life) - một đơn vị được xây dựng trên cơ sở liên doanh giữa 03 đối tác, trong đó có MB Bank. Nói cách khác, MB Ageas Life là công ty con của MB Bank, giữa MB Bank và MB Ageas Life có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ với nhau.
Khi phát hiện bị “lừa”, chị Thúy Hà đã quyết liệt liên hệ với Dương Thị Thu Hà và các nhân viên khác của MB chi nhánh Ba Đình để làm rõ tại sao gửi tiết kiệm lại thành mua bảo hiểm. Vào các ngày 21/7/2023 và 4/8/2023, một đơn vị khác của MB là MB Ageas Life đã có thư phúc đáp thừa nhận sự “nhầm lẫn” của phía MB Ageas Life, đồng thời đưa ra phương án “xử lý vô hiệu hợp đồng bảo hiểm của quý khách với lý do nhầm lẫn về nội dung giao dịch”.
MB Ageas Life đã căn cứ vào luận điểm “xử lý vô hiệu hợp đồng” để chuyển khoản hoàn trả cho chị Thúy Hà số tiền 1.186.300.000 đồng (sau khi trừ đi khoản tiền 134.700.000 đồng chị đã nhận trước đó). Tuy nhiên, đơn vị này không hoàn trả khoản lãi theo yêu cầu của chị (khoản lãi này, chị Thúy Hà yêu cầu phải hoàn trả với lãi suất ít nhất là 8,9% một năm theo tư vấn ban đầu của nhân viên MB).
Thời gian tính lãi cho khoản tiền 1.327.000.000 đồng (một tỷ, ba trăm, hai mươi bẩy triệu đồng) của chị Hà là từ 27/5/2022 đến 19/6/2023, và từ 19/6/2023 tạm tính đến 19/8/2023 cho khoản tiền lãi chưa thanh toán, tổng số tiền chị Hà yêu cầu bồi thường là 144.681.779 đồng (Một trăm bốn mươi bốn triệu sáu trăm tám mươi mốt nghìn bảy trăm bảy mươi chín đồng).
Qua trao đổi với chị Tống Thị Thúy Hà, PV được biết thêm: Trong cuộc gặp giải quyết kiến nghị của khách hàng ngày 29/8/2023, đại diện MB Bank và MB Ageas Life đều nêu quan điểm sẽ không hoàn trả các khoản yêu cầu bồi thường từ phía khách hàng. Điều này, dẫn tới việc khách hàng bức xúc gửi đơn thư tới các cơ quan báo chí, đề nghị các cơ quan báo, đài vào cuộc, làm rõ dấu hiệu lừa dối khách hàng từ tư vấn gửi tiền tiết kiệm tại MB Bank sau biến thành gói bảo hiểm nhân thọ của MB Ageas Life.
Lý giải cho việc khách hàng bị lừa đối một cách trắng trợn, chị Tống Thị Thúy Hà bức xúc cho biết: “Không thể chấp nhận được việc nhân viên MB Bank “đánh tráo” tiền gửi tiết kiệm hàng thành một gói bảo hiểm nào đó của đơn vị liên kết MB Ageas Life. Sau một thời gian chiếm dụng vốn, lại “khéo léo” để cho MB Ageas Life thừa nhận có sự “nhầm lẫn” và xử lý “vô hiệu hợp đồng”, hoàn trả tiền gốc cho khách hàng, không chấp thuận trả lãi. Khi xử lý “vô hiệu hợp đồng” sẽ chỉ hoàn trả tiền gốc, không tính lãi. Vậy là hai đơn vị MB và MB Ageas Life đã thành công trong việc “chiếm dụng” vốn của hàng loạt khách hàng và hợp pháp hóa việc không trả lãi cho khách hàng?”
Ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng (bancassurance) có nhiều sai phạm gây bức xúc trong dư luận. Trong đó, có MB Ageas Life. Theo nội dung kết luận thanh tra, Bộ Tài chính khẳng định, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Dẫn chiếu tới trường hợp đơn thư của bà Tống Thị Thúy Hà, cùng với việc tìm hiểu, xem xét thông tin từ thực tế diễn biến vụ việc, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xác minh các dấu hiệu bất thường trong hoạt động MB Ageas Life bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) nêu trên. Đề nghị sớm làm rõ việc đúng hay sai trong trường hợp khách hàng cho rằng MB Bank lừa dối khách hàng.
Để làm rõ nội dung bạn đọc phản ánh, vào ngày 13/10/2023, phóng viên đã liên hệ với bà Vũ Hải Phượng, Phó Giám đốc kinh doanh khách hàng cá nhân thuộc Ngân hàng MB Bank chi nhánh Ba Đình.
Bà Vũ Hải Phượng, Phó Giám đốc kinh doanh khách hàng cá nhân cho biết, sẽ chỉ đạo cấp dưới làm rõ, và giải quyết nội dung khách hàng Tống Thị Thúy Hà phản ánh.
Báo Tri thức và Cuốc sống sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Liên quan đến những kiến nghị, kêu cứu của khách hàng Tống Thị Thúy Hà, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Gấm - Giám đốc chi nhánh Công ty Luật TNHH Thuận Phong cho rằng cần lưu tâm một số vấn đề như sau:
Thứ nhất: Từ xưa đến nay, người dân vẫn giành niềm tin rất lớn cho ngân hàng, đây là một kênh đầu tư tuy lợi nhuận không cao nhưng vẫn được coi là an toàn nhất. Tuy nhiên, hoạt động này của MB Bank - chi nhánh Ba đình (thông qua nhân viên của mình) đưa ra các thông tin không trung thực, đánh tráo khái niệm, dẫn dụ khách hàng gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm là hành vi vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, làm giảm uy tín của MB Bank nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Ngoài ra, nếu có mục đích “chiếm dụng” tiền của khách hàng thì còn có thể xem xét đến hành vi lừa dối khách hàng hoặc lừa đảo.
Thứ hai: MB Ageas Life vi phạm nghiêm trọng quy trình ký kết hợp đồng bảo hiểm bởi vì Hợp đồng bảo hiểm là loại hợp đồng theo mẫu do bên bảo hiểm đưa ra, hơn nữa nội dung hợp đồng rất phức tạp, vì vậy MB Ageas Life phải dành thời gian đủ để khách hàng đọc và hiểu rõ nội dung hợp đồng theo quy định tại Điều 405 Bộ luật dân sự. Trong thực tế, theo khách hàng trình bày, họ gần như không hề được đọc mà chỉ ký trên bản hợp đồng điện tử và lúc đó cũng hiểu là ký xác nhận đầu tư quỹ. Giả sử khách hàng có được đọc thì với thời gian ít ỏi tại quầy giao dịch, liệu rằng một người bình thường có đủ khả năng hiểu được các nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm hay không? Ngoài ra, tôi cũng cho rằng trong trường hợp này, khách hàng bị lừa dối chứ không phải bị “nhầm lẫn”.
Thứ ba: MB Ageas Life đã thừa nhận hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do bị nhầm lẫn nhưng chỉ dẫn chiếu khoản 1 Điều 126 Bộ Luật Dân sự, đồng thời từ chối bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo khoản 4 điều này là thể hiện sự trốn tránh trách nhiệm. Ở đây rõ ràng rằng, bên có lỗi gây ra sự nhầm lẫn là phía MB Ageas Life, vì vậy MB Ageas Life phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng các thiệt hại thực tế xảy ra cho họ. Nếu các bên không thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thì khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện vụ án ra tòa án có thẩm quyền./.