Tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên của Hà Nội được đầu tư với tổng kinh phí hơn 18.000 tỷ đồng đã chính thức được đưa vào hoạt động từ ngày 6/11 đã thu hút sự hưởng ứng của đông đảo người dân trong những ngày đầu vận hành miễn phí.
Chỉ sau 2 ngày đầu tiên khai thác, đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã thu hút gần 80.000 lượt người dân đi tàu. Nhưng sức hút của loại phương tiện này trong tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn phức tạp, số ca F0 ngoài cộng đồng tăng nhanh khiến nhiều người lo ngại.
Háo hức trải nghiệm
Ngày thứ 7 và Chủ nhật vừa qua, nhà ga Cát Linh của tuyến đường sắt này dường như lúc nào cũng nườm nượp hành khách, nhiều nhất là thanh niên.
"Lần đầu tiên đến nhà ga đường sắt trên cao cảm giác như bước vào nhà ga cáp treo Ba Na Hills (Đà Nẵng), cảm giác thật thú vị," chị Nguyễn Thị Hà Thanh ở quận Hoàng Mai bày tỏ.
Từng dòng người nối nhau vào nhà ga để chờ lên tàu. Lo ngại thang bộ nhà ga cao không phù hợp với người cao tuổi, nhưng chị Nguyễn Thị Hà Thanh tỏ ra hài lòng khi tại nhà ga Cát Linh cũng như các nhà ga dọc tuyến, bên cạnh thang bộ còn hệ thống thang cuốn giúp người dân di chuyển dễ dàng để vào ga.
Đứng lẫn trong dòng người xếp hàng để vào ga, cụ bà Nguyễn Thị Lê (quận Cầu Giấy) gần 80 tuổi, mặc dù tai nghễnh ngãng nhưng rất vui khi được cháu đưa đi trải nghiệm tuyến metro Cát Linh-Hà Đông, ngắm thành phố Hà Nội từ trên cao.
Ghi nhận tại các nhà ga và trên tàu, từ người già đến trẻ nhỏ đều háo hức khi lần đầu tiên được lên một loại hình giao thông hoàn toàn mới mẻ, hiện đại, văn minh, đi trên cao vượt qua các điểm ùn tắc giao thông, không bị bất cứ một vật cản nào.
Hành khách vừa ngồi vừa đứng chật kín cách khoang, đông nhất vẫn là các thanh niên nam, nữ đặc biệt tỏ ra thích thú, họ cùng nhau chụp những tấm ảnh kỷ niệm ngày đầu tiên tuyến đường sắt đi vào vận hành.
Một cặp đôi ở Thái Bình còn lấy bối cảnh là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông làm bộ ảnh cưới gây bão mạng xã hội những ngày qua.
"Cháu đi thử nếu thuận lợi thì sẽ đi làm bằng phương tiện này hàng ngày. Từ ga Yên Nghĩa lên ga Văn Quán chỉ mất khoảng 8 phút, cháu gửi xe máy ở gần ga, rất thuận lợi, tới đây cháu sẽ đi làm bằng phương tiện này," cháu Hoàng Anh ở Ba La (quận Hà Đông) cho biết.
Vừa chở một nhóm các cụ ở phố Thụy Khuê về đến ga Cát Linh để trải nghiệm đi tàu trên cao, anh Nguyễn Đình Thưởng - lái xe hãng taxi Thành Lợi cho rằng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông rất thuận lợi cho người làm việc, sinh sống trên trục đường này, còn để tuyến đường sắt này phát huy tối đa hiệu quả phải kết nối với các tuyến buýt mới thu hút được nhiều người lên.
Theo anh Nguyễn Đình Thưởng, tuyến đường sắt đi vào hoạt động sẽ giảm tải cho giao thông Hà Nội, nhưng để giải quyết căn bản thì thành phố cần xây thêm đường trên cao.
Gợi ý về các điểm gửi xe
Trước tình trạng hành khách tập trung đông ở ga và đứng chật trên các toa tàu tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong lúc dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp khi ghi nhận nhiều ca F0 ngoài cộng đồng khiến nhiều người lo lắng.
Liên quan đến thông tin về việc đường sắt Cát Linh-Hà Đông có thể tạm đóng cửa để ngăn COVID-19, chiều 8/10, Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường khẳng định không có việc tạm đóng cửa tuyến đường sắt này.
Đồng thời, trong kịch bản vận hành tuyến đường sắt có 63 tình huống khẩn cấp, trong đó có tình huống khi xảy ra dịch bệnh (nếu phát hiện trường hợp nghi mắc COVID-19) thì sẽ tạm đóng cửa ga-tại vị trí có ca nghi nhiễm để xử lý vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chứ không dừng tàu. Xử lý xong môi trường thì mở cửa ga trở lại.
Để hạn chế tập trung đông người, tuân thủ biện pháp phòng chống dịch cho hành khách đi tàu, từ ngày 8/11 cũng như các ngày tiếp theo, để giảm việc hành khách tập trung đông người, Hanoi Metro đã có đề nghị và phối hợp với các bên có liên quan như Công an, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện 4 giải pháp gồm: Nhân viên Hanoi Metro phối hợp với Công an điều tiết khách vào ga ở tầng 1 và tầng 2, theo hướng nếu tầng 3 (tầng đón tàu) đông, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ giảm người lên ga.
Tại các cửa kiểm soát, giao dịch như phát vé, soát vé, cửa vào ga…, Hanoi Metro tạo các đường dẫn để hành khách đi, chờ đợi theo hàng.
Công an cùng với các đơn vị có liên quan như Thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có phương án tổ chức, sắp xếp, giám sát hoạt động trông giữ xe trong thời gian tàu chạy 15 ngày đầu cho khách khi đến nhà ga.
Hanoi Metro đưa ra khuyến cáo, với những người đi tàu để trải nghiệm nên tránh các giờ cao điểm sáng, chiều để giảm tình trạng tập trung đông người, phải chờ đợi lâu; với hành khách đi tàu khách nên chủ động quét mã khai báo y tế, check thông tin theo mã QR, biển hướng dẫn ở ga để nắm được quy định lên tàu, tránh đứng chờ làm thủ tục lâu.
Đối với phản ánh của hành khách về việc "khổ vì thiếu chỗ gửi xe," Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết việc bố trí điểm trông giữ xe trong bán kính cách nhà ga 300-400m cho hành khách đi tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông, thành phố đã giao cho Sở Giao thông Vận tải khảo sát, bố trí.
Trong sổ tay hướng dẫn cho hành khách, Hanoi Metro cũng đưa ra gợi ý các điểm trông giữ xe sẵn có để người dân tham khảo.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, do thời điểm quy hoạch các ga đường sắt Cát Linh-Hà Đông không còn mặt bằng để bố trí chỗ trông xe cho người dân nên tại các ga không xây dựng chỗ gửi xe.
Để thuận tiện hơn cho người dân đi tàu Cát Linh-Hà Đông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ khảo sát các điểm gửi xe lân cận các nhà ga.
Với ga Cát Linh đầu tuyến và ga Yên Nghĩa cuối tuyến, do mặt bằng rộng nên có thể bố trí điểm gửi xe tại ga. Tuy nhiên, 10 ga dọc tuyến cần khảo sát vị trí có thể làm nơi trông giữ xe.
Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết do Sở Giao thông vận tải Hà Nội chưa bố trí điểm trông giữ xe nên Hanoi Metro cho mượn tạm sảnh B nhà ga Cát Linh để trông giữ phương tiện miễn phí cho người dân trong 1 tuần đầu, trong khi chờ phường Cát Linh tìm vị trí bố trí điểm trông giữ xe theo quy định.
Liên quan đến lo ngại của hành khách về việc nguy cơ tai nạn tại khu vực tiếp giáp vị trí kega - vị trí hành khách lên xuống tàu, Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết Hanoi Metro đã đề xuất với thành phố làm tường chắn kega để tránh hánh khách thiếu quan sát, sơ ý sụt chân xuống kega.
Trước mắt, Hanoi Metro đã đặt tạm các rào chắn ziczac tại ga Cát Linh và ga Yên Nghĩa, là những nơi đông khách để hành khách dễ quan sát./.