Hội chợ thu hút 150 gian hàng của khoảng gần 100 đơn vị tham gia đến từ 20 tỉnh, thành phố, các quận, huyện, thị xã cả thành phố Hà Nội với nhiều chủng loại sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP của các địa phương như: Na Mộc Châu, tỏi một nhánh Sơn La, mực giã tay Quảng Ninh, trà Shan tuyết Hà Giang, mật ong Hưng Yên…
Mang đến hơn 10 sản phẩm liên quan đến trà Shan tuyết đặc trưng của Hà Giang (gồm các sản phẩm trà truyền thống, trà ủ lên men, hồng trà, bạch trà, bạch trà tiên, trà móng rồng,…), ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Quốc tế Vạn Long (Hà Giang) cho biết, hiện các sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt các chứng nhận OCOP, chứng nhận hữu cơ.
“Hiện, công ty đã xuất khẩu trà nguyên liệu sang Trung Đông, Đài Loan… Chúng tôi cũng mong muốn gặp gỡ, kết nối với các đơn vị chuyên làm hàng xuất khẩu để có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại cả thị trường trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Trong khi đó, bà Dương Thị Huệ - Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm và nông sản Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ: “Đến với hội chợ hôm nay, Công ty tôi giới thiệu tới người dân sản phẩm chả cá thát lát. Ngay tại gian hàng, chúng tôi có nhân lực trình diễn tất cả các khâu chế biến thực phẩm tại chỗ, từ tất cả các công đoạn để làm ra chả cá thát lát theo đúng quy trình một chiều, phân biệt khu vực chế biến chả sống, chả chín, bảo đảm an toàn thực phẩm và có sản phẩm cho khách nếm thử hương vị”.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết trên địa bàn Hà Nội có 453 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối, lượng nông sản thực phẩm tại chợ cung ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ của nhân dân Thủ đô. Nguồn hàng nông sản thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố rất đa dạng.
Để từng bước kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại các chợ phục vụ nhân dân Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành đơn vị, UBND các quận huyện thị xã tích cực triển khai các nhiệm vụ của Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025.”
Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở ngành đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã tích cực triển khai các nhiệm vụ tại đề án đồng thời triển khai xây dựng, lắp đặt nhà trạm xét nghiệm nhanh tại chợ phục vụ cho công tác xét nghiệm, lấy mẫu thực phẩm. Hiện thành phố đã xây dựng 20 trạm trên địa bàn 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đông Anh.
Song song với đó, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo chỉ đạo của thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố. Trong năm 2023, toàn thành phố dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, công tác giao thương kết nối thường xuyên được đẩy mạnh nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra, giám sát được các đơn vị tăng cường thực hiện góp phần kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại chợ...
Để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn cung ứng cho hệ thống phân phối và các chợ, UBND TP giao Sở Công Thương tổ chức “Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn Hà Nội năm 2023” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị, các chuỗi sản xuất-cung ứng thực phẩm an toàn; các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu… nâng cao hiệu quả kết nối tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm nguồn cung hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại hệ thống chợ trên địa bàn thành phố.
Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm và các nội dung, chỉ tiêu của Đề án an toàn thực phẩm tại chợ; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án an toàn thực phẩm tại chợ, theo đó phấn đấu đến hết tháng 12/2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn…
“Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối cung - cầu các sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng vào hệ thống siêu thị phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân Thủ đô trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024”, bà Lan nhấn mạnh.