Những ngày này, đội tuyên truyền lưu động của các xã vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Kỳ Sơn ít có thời gian để nghỉ ngơi. Cứ sáng sớm, họ lại tỏa đi khắp các làng, bản với chiếc loa kéo trên tay, tờ rơi, khẩu trang... để tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, từ ngày 25/6, khi trên địa bàn huyện có nhiều công dân từ Bắc Giang trở về địa phương, công tác này lại trở nên nặng nề hơn đối với đội ngũ làm công tác tuyên truyền lưu động. Ngoài việc giải thích cho người dân nắm rõ về diễn biến dịch bệnh và nguy cơ của dịch Covid-19, đội ngũ này còn khuyến cáo về các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử phạt, như: Che giấu, không khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối; thông tin sai sự thật; từ chối hoặc trốn tránh biện pháp hoặc không thực hiện biện pháp cách ly theo quy định; không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh... đồng thời khuyến cáo bà con không nên hoang mang trước dịch Covid-19.
Anh Vi Như Cường - đội viên đội tuyên truyền xã Tà Cạ chia sẻ: “Dù thời tiết nắng nóng nhưng do công việc cấp bách nên mọi người đều phải ra sức làm việc. Chúng tôi phải thường xuyên có mặt trên các bản để tuyên truyền, theo dõi những người đang thuộc diện cách ly, nắm bắt những người từ địa phương khác trở về...
Theo anh Vi Như Cường, nhiều bà con là người dân tộc thiểu số nên họ rất khó hiểu khi nghe loa phát thanh tuyên truyền bằng tiếng phổ thông. Do đó, đội phải cử những người am hiểu về văn hóa, tiếng của dân tộc đó để giải thích với người dân. “Đặc biệt, nhiều người dân còn thiếu khẩu trang trong nhà nên những lúc như thế này, đội tuyên truyền đã phát và trực tiếp đeo khẩu trang cho họ” - anh Cường cho hay.
Tại địa bàn xã Bảo Thắng, cách trung tâm huyện Kỳ Sơn hơn 40 km, đội tuyên truyền lưu động cũng túc trực thường xuyên trên các bản, làng để tuyên truyền dịch Covid-19. Chị Cụt Thị Hạnh - đội viên của đội tuyên truyền những ngày này dường như khó có bữa cơm đúng giờ với gia đình. Chị thường xuyên phải có mặt ở những bản xa nhất của xã như Xa Va, Ca Da, Thà Lạng... để nắm bắt tình hình của bà con dân bản.
“Khổ nhất là ở những bản xa ấy, chỉ cách trung tâm xã có 10 km nhưng phải đi gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ mới tới nơi. Trời nắng còn được, trời mưa thì xác định là phải đẩy xe đến bản. Người dân ở đây 100% là dân tộc Khơ mú, sự am hiểu về dịch bệnh còn hạn chế nên chúng tôi phải đi từng nhà để tuyên truyền và phát khẩu trang cho từng người” - chị Hạnh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Mạnh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kỳ Sơn, cho hay: Kỳ Sơn là địa bàn có đường biên giới giáp với nước bạn Lào, người dân chủ yếu thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống và trình độ dân trí còn thấp nên chúng tôi phải kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Công tác tuyên truyền do đó cũng phải đa dạng để người dân nắm rõ, hiểu và thực hiện tốt việc phòng, chống dịch Covid-19./.