Trong ngày 7/4, công ty VinFast Trading & Investment Pte. Ltd., một công ty con được thành lập tại Singapore của Tập đoàn Vingroup, công bố đã nộp dự thảo hồ sơ niêm yết sơ bộ theo mẫu F-1 lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) liên quan đến việc đề xuất chào bán cổ phiếu phổ thông ra công chúng (IPO).

Quy mô đợt phát hành và giá chào bán cổ phiếu vẫn chưa được xác định. Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng dự kiến sẽ diễn ra sau khi SEC hoàn tất quá trình xem xét, và tùy thuộc vào thị trường và các điều kiện khác.

4-ty-phu-pham-nhat-vuong-1649397851-1649399887.jpg
Hãng xe Việt VinFast dự kiến IPO và niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ (Ảnh: Vingroup).

Từ cuối năm ngoái, Vingroup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ 51,52% cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho VinFast Singapore.

Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Singapore, qua đó gián tiếp sở hữu 99,9% cổ phần VinFast Việt Nam. Trong đó, Vingroup vẫn duy trì tỉ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam.

Vingroup cho biết, việc tái cấu trúc này nằm trong quá trình chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ và là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của công ty. Theo đó, tái cấu trúc không thay đổi chủ sở hữu mà chỉ là giải pháp kỹ thuật để phục vụ cho việc IPO VinFast trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - cho biết, nếu niêm yết thành công sẽ mở ra cơ hội cho VinFast tiếp cận các nguồn vốn quốc tế để phục vụ cho chiến lược phát triển của mình và nâng vị thế VinFast lên tầm cao mới, góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu.

"Bởi riêng việc tuân thủ được các quy định khắt khe của Ủy ban Chứng khoán Mỹ và được họ cấp phép niêm yết đã chứng tỏ được đẳng cấp, uy tín của VinFast, qua đó củng cố lòng tin của khách hàng Mỹ đối với một thương hiệu còn non trẻ, lại đến từ Việt Nam. Việc này sẽ giúp chúng tôi dễ dàng hơn khi tiếp thị và đưa các sản phẩm vào thị trường rộng lớn này" - bà Thủy phân tích lợi ích nếu IPO thành công.

Lãnh đạo Vingroup cũng tiết lộ, khi IPO tại Mỹ, VinFast sẽ chỉ bán từ 5 - 10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty. Việc IPO tại Mỹ không có một mục tiêu nào khác ngoài việc tăng vốn, thu hút đầu tư công nghệ và kỹ thuật để phát triển VinFast theo đúng tầm nhìn và định hướng mà tập đoàn này đã đặt ra.

Trước đó, ngày 29/3, VinFast và chính quyền bang Bắc Carolina (Mỹ) công bố ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Bắc Mỹ.

Dự án có mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD (tổng mức đầu tư là 4 tỷ USD trong giai đoạn 1 theo thông tin từ Nhà Trắng). Nhà máy của VinFast sẽ được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Hạt Chatham với diện tích khoảng 800 ha và bao gồm 3 khu vực chính: khu vực sản xuất và lắp ráp ô tô điện và xe buýt điện; khu vực sản xuất pin cho các sản phẩm xe điện và khu vực công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp.

Giai đoạn 1 được khởi công trong năm 2022, ngay sau khi nhận được giấy phép xây dựng, dự kiến vận hành vào tháng 7/2024. Công suất giai đoạn 1 dự kiến đạt 150.000 xe mỗi năm. Theo biên bản ghi nhớ, VinFast sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà máy theo nhiều giai đoạn khác nhau. Các mẫu đầu tiên được sản xuất là VF9 - dòng SUV cỡ lớn 7 chỗ ngồi và VF8 - SUV cỡ trung 5 chỗ.

Với sự kiện này, VinFast đã nhận được lời chúc mừng từ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng thống Mỹ viết trên Twitter ngày 30/3: "Nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD, tạo ra 7.000 việc làm của VinFast là một ví dụ điển hình cho chiến lược phát triển kinh tế của Mỹ hiện nay"./.