Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 700 điểm cầu tại UBND các quận, huyện trong cả nước.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành tham dự hội nghị.
Phải có giải pháp cấp bách và căn cơ về công tác PCCC và CNCH
Phát biểu đặt vấn đề, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh về tầm quan trọng của nội dung hội nghị hôm nay, đặc biệt là trong bối cảnh vừa qua xảy ra một số vụ cháy nghiêm trọng, nhất là vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội làm chết 56 người, đặt ra nhiệm vụ cấp bách để phòng chống cháy nổ.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bên cạnh sự phát triển kéo theo những hệ lụy có thể dự báo, nhưng cũng có việc không thể dự báo hết. Tại thành phố thì tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao đã gây ra áp lực cho công tác phòng cháy, chữa cháy (PPCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH).
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, công tác PCCC và CNCH đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Phong trào toàn dân PCCC và CNCH gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, được thực hiện đi vào chiều sâu nên đã có nhiều kết quả tích cực.
Tuy vậy, thực tế tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, một số quy định của pháp luật về PCCC cũng như hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển của xã hộị. Cơ sở hạ tầng được đầu tư lâu năm không thể đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn của công tác PCCC.
Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu đối với công tác PCCC còn hạn chế, thậm chí buông lỏng quản lý; ý thức, kiến thức, kỹ năng của một bộ phận quần chúng nhân dân về công tác PCCC chưa cao; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, lực lượng có lúc, có nơi chưa tốt.
Với tinh thần thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được; phân tích làm rõ những nguyên nhân, giải pháp; đề ra những giải pháp cấp bách, tình thế và giải pháp căn cơ lâu dài về công tác PCCC và CNCH để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc, đau lòng như vừa qua. Đồng thời cần phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cũng như đảm bảo an toàn tài sản của người dân.
Toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố làm chết 134 người
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 15/10/2023 toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố làm chết 134 người, làm bị thương 101 người, ước thiệt hại 229,75 tỷ đồng và 2027 ha rừng; xảy ra 10 vụ nổ làm chết 05, bị tương 18 người.
Trong số 2.927 vụ cháy có 50 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy. Các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người chủ yếu xảy ra tại nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini). Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini ngày 12/9/2023 tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội làm chết 56 người.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg, Công điện số 220/CĐ-TTg, Công điện số 825/CĐ-TTg về công tác PCCC và CHCN đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức, kiến thức về PCCC của người dân ngày càng được nâng lên, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH. Hệ thống văn bản QPPL về PCCC và CNCH ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Lực lượng chức năng đã tổ chức rà soát, kiểm tra 100% các cơ sở theo chỉ đạo tại Công điện số 825/CĐ-TTg, qua đó xử lý vi phạm đối với 228 nhà chung cư; 8.799 nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ; 1.067 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ; hướng dẫn chủ đầu tư, chủ cơ sở khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo quận Thanh Xuân (Hà Nội), UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), UBND thành phố Hải Phòng, UBND Thành phố Đà Nẵng, Bình Dương báo cáo về tình hình thực hiện công tác PCCC và CNCH, đặc biệt chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân dẫn đến sự cố cháy, nổ. Trong đó, đề xuất Trung ương hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo về lĩnh vực này trong tình hình mới; đầu tư trang thiết bị phục vụ cũng như tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng công tác PCCC và CNCH...
Phải đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân
Điều hành nội dung thảo luận, qua nghe ý kiến lãnh đạo của địa phương, Bộ, ngành, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, một bộ phận không nhỏ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác PCCC còn chủ quan, coi nhẹ công tác này. Sau mỗi vụ cháy ai cũng tỏ ra thương xót, đau xót nhưng sự chuyển động về nhận thức và hành động trong thực thi pháp luật về PCCC để chủ động rà soát, khắc phục ngay những tồn tại thì vẫn còn chậm, chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục...
Phát biểu kết luận hội nghị, nhắc lại quan điểm của Đảng về vai trò, ý nghĩa của công tác PCCC và CNCH để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, để người dân có cuộc sống yên bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu công tác này phải được chú trọng, triển khai thực hiện nghiêm túc.
Dự báo tình hình còn diễn biến phức tạp, khả năng dự báo, kiểm soát và khả năng đáp ứng yêu cầu liên quan đến cơ sở vật chất... còn hạn chế, bởi vậy cần phải đưa ra các giải pháp để triển khai hiệu quả công tác PCCC và CNCH.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong công tác PCCC và CNCH. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng của người dân trong PCCC và CNCH.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu phải huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị để thưc hiện, nhất là huy động nguồn lực xã hội trong phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị để thực hiện và đáp ứng yêu cầu công tác PCCC và CNCH.
Mặt khắc, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về thể chế, quy trình, quy chuẩn đồng thời tăng cường công tác giám sát, kiểm tra; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm thực thi pháp luật về PCCC.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng; giữa các cơ quan, đoàn thể, địa phương; đồng thời nâng cao năng lực thực thi của cán bộ các cấp nhất là người đứng đầu.