Trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống về việc hai nghệ sĩ Việt Nam bị cáo buộc vi phạm pháp luật ở Tây Ban Nha được trả hộ chiếu và đã về nước, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc chung của pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, có thể bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

d-1659965599.jpg
Theo Bộ Ngoại giao, quá trình điều tra vụ việc hai nghệ sĩ vẫn đang được tiếp tục 

Trong vụ việc hai nghệ sĩ bị cáo buộc vi phạm pháp luật ở Tây Ban Nha, trước tiên cơ quan bảo vệ pháp luật của nước sở tại sẽ xác minh, làm rõ sự việc theo nội dung tố cáo. Trong trường hợp nội dung tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, cơ quan chức năng tại quốc gia này sẽ có trả lời người tố cáo và đảm bảo quyền lợi của người bị tố cáo theo quy định. Trong tình huống này, trách nhiệm pháp lý sẽ không được đặt ra. Do cơ quan chức năng xác định họ không có hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi được xác định là không vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp mà kết quả thẩm tra, xác minh của cơ quan tư pháp tại quốc gia này cho thấy hai nghệ sĩ Việt Nam đến du lịch và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tình dục đối với công dân của quốc gia khác, sẽ có 2 vấn đề đặt ra.

Thứ nhất là thủ tục tố tụng liên quan đến thẩm quyền xử lý và vấn đề thứ 2 là luật áp dụng và các chế tài áp dụng. Trường hợp hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ căn cứ vào luật tại quốc gia này, sau đó sẽ tính đến hiệp định tương trợ tư pháp để xác định thẩm quyền thuộc về cơ quan tố tụng của Việt Nam hay Tây Ban Nha. Hiện nay Việt Nam và Tây Ban Nha đã có hiệp định tương trợ tư pháp.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công dân Việt Nam, người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam sẽ xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp, công dân Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn có thể áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết trên cơ sở

Điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, theo Hiệp định tương trợ tư pháp quốc tế. Do đó, nếu hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm, vẫn có thể được xử lý theo pháp luật Việt Nam hoặc luật pháp của Tây Ban Nha trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai bên và trên cơ sở làm việc giữa cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam với nước sở tại.

Trường hợp người Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, thông thường sẽ xử lý hình sự theo pháp luật của nước sở tại. Trong một số trường hợp sẽ dẫn độ về Việt Nam để xử lý theo Hiệp định tương trợ tư pháp.

Theo luật sư Cường, đối với hành vi xâm hại tình dục ở nước ngoài mà xử lý theo pháp luật Việt Nam sẽ có một số tình huống xảy ra. Có thể là hành vi mua dâm với người dưới 18 tuổi, người mua dâm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Trường hợp giao cấu trái ý muốn sẽ bị xử lý về tội Hiếp dâm theo quy định tại điều 141 BLHS.

Tùy thuộc tính chất mức độ hành vi, người vi phạm sẽ bị những chế tài khác nhau. Trong trường hợp này, hai nghệ sĩ có bị xử lý hay không và bị xử lý ở mức độ nào theo pháp luật của quốc gia nào sẽ phải căn cứ theo kết quả điều tra, xác minh của Tây Ban Nha. Nếu kết luận có vi phạm pháp luật, vấn đề chế tài mới được đặt ra.

Trường hợp Tây Ban Nha thụ lý đơn tố giác, qua quá trình thẩm tra, điều trần xác dịnh nội dung đơn tố giác không có căn cứ, hai nghệ sĩ sẽ được trả hộ chiếu, về nước và không bị xử lý bởi các chế tài của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, đối với các nghệ sĩ ra nước ngoài chưa được sự cho phép của cơ quan, vi phạm quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức, cơ quan tổ chức quản lý của công chức, viên chức sẽ căn cứ vào các hành vi để áp dụng mức kỷ luật theo quy định hiện hành.

Ngày 8/8, Bộ Ngoại giao cho biết, theo Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha, ngày 3/8, Tòa án đã trả hộ chiếu cho hai công dân Việt Nam do đã có luật sư người địa phương đại diện liên lạc với toà án. Hiện hai công dân nói trên đã rời Tây Ban Nha. Quá trình điều tra vụ việc vẫn đang được tiếp tục. Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý vụ việc theo nhiệm vụ và thẩm quyền.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, tối 7/8, Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh về nước an toàn.

Nói về kế hoạch làm việc với hai nghệ sĩ này khi vừa về nước, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói, việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan chủ quản của hai nghệ sĩ là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (với trường hợp giảng viên, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh) và Nhà hát Kịch Hà Nội (với trường hợp diễn viên Hồng Đăng).

Trao đổi với báo chí, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho hay, hiện Nhà hát vẫn chưa liên lạc được với Hồng Đăng và chưa biết tình hình cụ thể của nam diễn viên.

Theo ông Hiếu, Hồng Đăng ra nước ngoài khi chưa được sự cho phép của lãnh đạo Nhà hát sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức. Theo quy định, nếu đi ra nước ngoài 1,5 tháng không xin phép sẽ phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất. Tuy nhiên, hiện tại, Nhà hát chưa có quyết định nào cụ thể đối với Hồng Đăng. Sau khi làm việc với nam diễn viên, xác định các lỗi cụ thể, tùy vào mức độ vi phạm, Nhà hát mới quyết định hình thức kỷ luật.

Với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, thông tin với báo chí, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, lãnh đạo Học viện chưa làm việc với Hồ Hoài Anh nên chưa có quyết định cụ thể nào trong thời điểm hiện tại.

Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng là 2 gương mặt đang được chú ý trong nhiều năm trở lại đây. Cách đây gần 2 tháng, hai nghệ sĩ này đã bị giữ hộ chiếu do liên quan tới một cô gái người Anh 17 tuổi ở khách sạn tại Andratx, đảo Majorca, Tây Ban Nha vào tối 25/6.