Thanh tra Chính phủ vừa có Báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo kiến nghị của cử tri Vĩnh Long, thời gian qua công tác Phòng chống tham nhũng (PCTN) có nhiều chuyển biến tích cực, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ nhưng vẫn chưa triệt để. Các tài sản thu hồi của cá nhân hay tổ chức có hành vi tham nhũng rất ít, tài sản bị tẩu tán gây thất thoát ngân sách nhà nước. Cử tri kiến nghị cần kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng...

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao do đâu?

Phản hồi cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong những năm qua, nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng đã được áp dụng đồng bộ. Cùng với phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế, cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác PCTN của nước ta hiện nay.

Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do, số tiền thu hồi lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn...

Để khắc phục tình trạng trên, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác PCTN nói chung và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng.

nguyen-bac-son-cuu-bo-truong-bo-tt-tt-nhan-hoi-lo-3-trieu-usd-5476-1648196675.jpeg
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu USD.

90 cán bộ thuộc Trung ương quản lý bị kỷ luật

Đối với công tác xử lý cán bộ tham nhũng, cán bộ đứng đầu, Thanh tra Chính phủ cho hay, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng được đẩy mạnh. Cụ thể, năm 2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 179.034 tỷ đồng, 9.258 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 22.698 tỷ đồng và 811 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 156.336 tỷ đồng, 8.447 ha đất; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 3.694 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 437 vụ, 259 đối tượng.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, các ngành, các cấp thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung kiểm tra tại 10.310 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 251 đơn vị vi phạm; tiến hành 5.463 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 365 vụ vi phạm, 556 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 107,2 tỷ đồng; có 43 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 26 người./.