nguyenphucuong-16543169326141504501697-1654325325.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường - Ảnh: Q.H.

Sáng 4-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình (gói) phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết 43 của Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, nghị quyết 43 có quy định mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn, các cơ chế đặc thù áp dụng cho đầu tư công thuộc chương trình này và một số nhiệm vụ chi vốn đầu tư phát triển, tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỉ đồng, thời gian sử dụng chủ yếu trong hai năm 2022 và 2023.

Trên cơ sở rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương với tổng mức vốn hơn 149.201 tỉ đồng cho 113 nhiệm vụ, dự án để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án...

Trong đó, chưa bao gồm 14.000 tỉ đồng cho lĩnh vực y tế; 11.834 tỉ đồng dự kiến cho 4 dự án đường cao tốc, quốc lộ thuộc lĩnh vực giao thông; 965 tỉ đồng các bộ, cơ quan trung ương đề xuất không bố trí vốn từ chương trình nên không đủ điều kiện thông báo vốn...

Chính phủ đề nghị các đơn vị phải hoàn thành thủ tục đầu tư dự án chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, không bao gồm dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với danh mục nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thẩm tra tờ trình báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng sau hơn 4 tháng Quốc hội thông qua nghị quyết 43, đến nay mới chỉ thực hiện ở khâu Thủ tướng Chính phủ thông báo số vốn (thông báo "số kiểm tra") để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án là rất chậm.

Về số vốn thông báo, Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 149.201 tỉ đồng, bằng 84,77% so với số Quốc hội cho phép (tối đa là 176.000 tỉ đồng).

Số còn lại chưa thông báo khoảng 26.800 tỉ đồng (trong đó có 14.000 tỉ đồng cho lĩnh vực y tế, 11.800 tỉ đồng cho 4 dự án đường cao tốc).

Vì vậy ủy ban cho rằng Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương thông báo hết số vốn còn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để Chính phủ hoàn thiện danh mục, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chưa đủ điều kiện thông báo vốn, giải pháp để thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 43.

Đối với 3 dự án đường cao tốc là Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật đầu tư công.

Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng cho rằng báo cáo số 200 của Chính phủ không phải là tờ trình, danh mục dự án kèm theo chỉ là thông báo “số kiểm tra” để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi phân bổ vốn theo quy định./.