Vừa mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 28-3, trong tích tắc, hàng loạt cổ phiếu "họ FLC" bị nhà đầu tư đặt lệnh bán, lập tức giảm kịch khung 7%, rớt xuống giá sàn, trắng bên mua.
Trong đó, giá cổ phiếu FLC (Tập đoàn FLC) bị giảm sàn xuống mốc 13.600 đồng, mã ROS (Xây dựng FLC Faros) bị giảm sàn còn 8.770 đồng, HAI (Nông dược H.A.I) bị rớt xuống giá sàn 6.320 đồng, AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone) bị lao xuống giá sàn 6.650 đồng, KLF (Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu CFS) bị giảm sàn còn 6.400 đồng, ART (Chứng khoán BOS) rớt xuống giá sàn 10.300 đồng.
Đáng chú ý, tổng số lượng cổ phiếu dư bán sàn ở các mã "họ FLC" kể trên lên hơn 160 triệu cổ phiếu.
Về cổ phiếu "họ FLC", theo tìm hiểu, từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC - bị phạt tiền 1,5 tỉ đồng và bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 5 tháng do bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC (vào ngày 10-1), nhiều công ty chứng khoán đã siết việc cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ (margin) để mua các cổ phiếu liên quan, nhằm hạn chế rủi ro.
Ở một số công ty chứng khoán lớn, tổng dư nợ cho vay margin của các mã như FLC và ROS gần về bằng 0.
Tuy nhiên, theo giám đốc của một công ty chứng khoán lớn, trong trường hợp cổ phiếu "họ FLC" tiếp tục bị bán tháo và mất thanh khoản liên tục như giữa tháng 1 vừa qua, không ít nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.
Đặc biệt trong khi kênh chính thống khó vay, để lấy "siêu margin" ở các mã "họ FLC", nhiều nhà đầu tư chọn cách vay tín chấp ở "kho ngoài" tỉ lệ 2:8 (2 đồng vốn, 8 đồng vay), 3:7, 1:9 với lãi suất lên đến 14%.
Khi nhận thấy cổ phiếu "họ FLC" rủi ro cao, nguy cơ mất vốn vay, các "kho ngoài" sẽ đặt lệnh bán để thu hồi nợ, khiến giá cổ phiếu lao dốc thêm.
Về diễn biến chung, ngoài cổ phiếu "họ FLC" bị giảm sàn, thị trường còn bị áp lực khi nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như MSN (Masan), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), DIG (Đầu tư phát triển xây dựng), VPB (VPBank), BID (BIDV), NVL (Novaland), VHM (Vinhomes), HPG (Tập đoàn Hòa Phát)... cũng bị nhà đầu tư bán ra, rớt giá.
Ngược dòng, thị trường vẫn nhận được lực đỡ của các mã như VCB (Vietcombank), MWG (Thế giới di động), GAS (PetroVietnam Gas), VNM (Vinamilk), DGW (Thế giới số)...
Diễn biến giao dịch ở các nhóm ngành có sự phân hóa. Trong khi chỉ số nhóm công nghiệp, bất động sản, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính có chiều hướng tăng trưởng âm, thì chỉ số cổ phiếu thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, năng lượng lại tăng nhẹ.
Chỉ vài phút đầu phiên chỉ số VN-Index đã giảm hơn 7 điểm, sau đó tiếp tục dùng dằng trong sắc đỏ với áp lực bán đè nặng./.