Ngày 6/10, thông tin từ Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, sáng cùng ngày đã có hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) đi làm trở lại. Còn khoảng 4.000 công nhân chưa đi làm.

Như Pháp luật Plus đã đưa tin trước đó: Sáng 2/10, hơn 6.000 công nhân Công ty TNHH VietGlory vẫn đi làm bình thường. Tuy nhiên, sau giờ ăn trưa, hàng ngàn công nhân đã không ngủ trưa như những ngày khác.

c-1696634872.jpg
Vẫn còn nhiều công nhân chưa trở lại làm việc.

Đến 12h45 phút, bắt đầu vào ca chiều, những người này đồng loạt xuống nhà xe và ra về thay vì quay lại nhà xưởng làm việc. Chỉ khoảng 1.000 cán bộ, công nhân làm công việc độc lập, không thuộc chuyền sản xuất như in ấn, nhãn mã... ở lại.

Nguyên nhân sự việc xuất phát từ những thắc mắc về tiền lương, các chế độ phúc lợi của công nhân trong quá trình làm việc.

Những ngày sau đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã trực tiếp gặp gỡ công nhân, làm việc với công ty để bàn bạc, tìm giải pháp phù hợp.

Đặc biệt, ngày 4/10, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, cùng với các sở, ban ngành đã trực tiếp đối thoại với công nhân. Đồng thời ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của người lao động để chuyển đến lãnh đạo công ty xem xét, giải quyết.

cc-1696634900.jpg
Cán bộ Liên đoàn Lao động tư vấn, giải thích cho các lao động.

Cuối ngày 5/10, Công ty TNHH Viet Glory đã ra thông báo lần 2 liên quan đến các nội dung mà công nhân kiến nghị. So với thông báo lần 1, trong thông báo lần này, ban lãnh đạo công ty đã giải thích rõ hơn về một số quy định, quy trình làm việc của công ty.

Công ty TNHH Viet Glory tiếp tục khẳng định không thể điều chỉnh tăng mức lương cơ bản theo kiến nghị của người lao động. Bởi hiện nay, quy định mức lương tối thiểu vùng III Diễn Châu đối với người lao động là 3.640.000 VND, trong khi mức lương cơ bản của công ty là 4.130.200 VND đã cao hơn so với mức lương cơ bản của vùng. Xét tình hình hiện tại của công ty đơn hàng ít nên không thể điều chỉnh tăng mức lương cơ bản.

Công ty cam kết không yêu cầu công nhân nữ mang thai phải nghỉ làm trừ khi có đơn xin nghỉ của công nhân hoặc có chỉ định của bác sĩ.

Về vấn đề công nhân hưởng chế độ làm việc trong môi trường độc hại, công ty cho biết đã tuân thủ theo quy định của pháp luật để tính phụ cấp. Trong cùng một dây chuyền, không phải tất cả các vị trí đều làm công việc độc hại, nên sẽ có người được hưởng, người không. Công ty sẽ tuyên truyền để công nhân biết được vị trí cụ thể được hưởng chế độ.

ccc-1696634930.jpg
Gần 1.000 công nhân đã trở lại làm việc.

Thời gian tới, công ty sẽ xem xét một số nội dung như chia phần trăm tiền chuyên cần, khen thưởng sản lượng… Ngoài ra, công ty mong người lao động thông cảm vì tình hình kinh doanh, sản xuất hiện tại rất khó khăn. Căn cứ hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công ty sẽ tiếp tục quan tâm đến các chế độ phúc lợi khác của người lao động.

Lãnh đạo công ty cũng yêu cầu công nhân trở lại làm việc từ sáng 6/10. Trường hợp công nhân không làm việc thì sẽ tính nghỉ tự do từ chiều 2/10. Sau 5 ngày nghỉ tự do, công ty sẽ thực hiện theo quy định tại Điểm e, Điều 36, Bộ Luật Lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.