Nguyệt thực dài nhất trong 580 năm

nguyet-thuc-1637270746259-1637288374.jpeg
Nguyệt thực quan sát tại Sydney, Australia vào ngày 26/5/2021 (Ảnh: AP)

Nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào ngày 19/11 và có thể được quan sát thấy bằng mắt thường tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, lý tưởng nhất cho việc quan sát toàn bộ quá trình nguyệt thực là các khu vực trải dài từ Bắc Mỹ và Thái Bình Dương, Tây Âu, miền Đông nước Úc, New Zealand và Nhật Bản.

Theo NASA, đợt nguyệt thực này sẽ kéo dài khoảng 3h28', dài nhất trong 580 năm qua. Đây là lần nguyệt thực thứ 2 và cũng là nguyệt thực cuối cùng của năm 2021.

Nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng, Trái Đất di chuyển nằm giữa Mặt Trăng và Mặt Trời. Tại thời điểm nguyệt thực cực đại (khoảng 16h theo giờ Việt Nam), bóng của Trái đất sẽ che 97% Mặt Trăng, chặn đi hầu hết ánh sáng từ Mặt Trời và "nhuộm" Mặt Trăng thành màu đỏ sẫm, gỉ sét - hay còn gọi là hiện tượng "trăng máu".

Do không phải toàn bộ Mặt Trăng bị che mờ, nên đây vẫn được coi là nguyệt thực một phần. Dự đoán lần nguyệt thực tiếp theo sẽ xảy ra vào tháng 5/2022.

Ở Việt Nam có xem được nguyệt thực?

nguyetthuc-1637270862278-1637288416.jpeg

Cụ thể ở Việt Nam, Mặt Trăng chỉ bắt đầu mọc từ khoảng 17h14' đến 17h26'. Như vậy, chúng ta sẽ bỏ lỡ giai đoạn nguyệt thực cực đại, diễn ra lúc 14h. Trong khi đó, tới 17h47' hiện tượng nguyệt thực sẽ kết thúc.

Tuy khoảng thời gian để quan sát nguyệt thực tại Việt Nam khá ngắn ngủi, nhưng nếu may mắn ở vị trí thuận lợi, người dân vẫn có thể chứng kiến một phần của hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Theo dự báo thời tiết từ Windy, Hà Nội vào lúc sau 17 giờ trời quang mây, không mưa, có thể quan sát được một phần nguyệt thực. Tại Huế và Đà Nẵng, thời tiết cũng rất lý tưởng. Trong khi đó tại TPHCM và một số tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ trời có mưa nhẹ và mây mù có thể ảnh hưởng tới khả năng quan sát./.