Chiều 25/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong vùng ảnh hưởng để ứng phó với cơn bão Noru. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp. Cùng dự có đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai: Nguyễn Cao Lục- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Cơn bão rất mạnh
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão Noru là cơn bão rất mạnh, siêu bão, dự báo khi vào đất liền sẽ ở cấp 12 giật trên cấp 13, cấp 14...04 địa phương ảnh hưởng trực tiếp, là tâm bão đổ bộ, chịu rủi ro thiên tai cấp 4 là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là
Qua báo cáo của các địa phương, các Bộ, ngành có liên quan, Phó Thủ tướng đánh gia cao sự chủ động của các địa phương, các bộ, ngành trong triển khai các công tác phòng chống cơn bão Noru. Đây là cơn bão lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh dự báo giật cấp 17, do đó yêu cầu các địa phương, các bộ ngành phải vào cuộc khẩn trương, từ sớm nhất là các địa phương trong công tác kêu gọi tàu thuyền, di dời dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương, bộ ngành bám sát nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện.
Trong đó, lưu ý công tác dự báo phải kịp thời, độ chính xác cao. Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung thật cao cho công tác phòng chống bão, có thể tạm dừng, hoãn các cuộc họp không thực sự cần thiết; xây dựng kế hoạch cụ thể, tổng thể trong lãnh đạo, chỉ đạo từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy đến cấp xã.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai sẽ thành lập các đoàn công tác của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các Bộ, các ngành để chỉ đạo thực tế hiện trường cùng với địa phương. Cùng với đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương.
Các địa phương thống nhất về thời gian để cấm tàu thuyền ra khơi; kiểm soát tàu đang hoạt động trên biển. Cùng với đó, tiến hành khảo sát, rà soát để kịp thời lên phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh khi đến trường. Phó Thủ tướng lưu ý bên cạnh đảm bảo an toàn tính mạng, phương tiện, cần đảm bảo an toàn sản xuất. Cùng với đó, đảm bảo an toàn hồ đập...
Các địa phương cần phải thành lập Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã để chỉ đạo, lãnh đạo; chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực thực phẩm đề phòng bị chia cắt, bị thiệt hại bởi bão lũ với phương châm “4 tại chỗ”...
Chú trọng công tác thông tin truyền thông, bởi đây là siêu bão nên phải tăng tần suất đưa thông tin về cơn bão; cảnh báo người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; cần thường xuyên theo dõi thông tin, chủ động các phương án để phòng chống.../.