Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của ông Hồ Viết Thắng, tôi đã có vài lần trò chuyện cùng con trai ông là Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng để hiểu rõ hơn về cuộc đời của một chiến sĩ cách mạng trung kiên xứ Nghệ.
 
Trong 80 năm tại thế, ông Hồ Viết Thắng (1918 - 1998) đã trải qua một cuộc đời đầy vinh quang và cũng không ít sóng gió.Vinh quang của người dân nô lệ giành được độc lập.Vinh quang của người chiến sĩ cách mạng chiến thắng kẻ thù. Vinh quang của người cán bộ cao cấp của Đảng từng làm Thứ trưởng Bộ Nông lâm (nay là Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Bộ trưởng Bộ lương thực Thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn)... Rồi sóng gió cũng từ vinh quang mà ra để rồi tên tuổi ông gắn liền với việc chịu trách nhiệm trong sai lầm của Cải cách Ruộng đất.
 
Người giữ "chìa khóa của kháng chiến"
 
Ông Hồ Viết Thắng, tên khai sinh là Hồ Sỹ Khảng, sinh ngày 4-3-1918, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Nho nghèo, nhiều đời nối nhau đi dạy học. Cha ông là lương y Hồ Sỹ Đản (1885 - 1967) vốn từ thầy đồ chuyển nghề.Dù cha rất chú ý rèn dạy con cái, nhưng người có ảnh hưởng đến tính cách và cuộc đời Hồ Viết Thắng lại là ông nội Hồ Sỹ Tư (1860-1935). Thông minh đĩnh ngộ, đậu cử nhân năm 22 tuổi, nhưng cụ Cử Tư không ra làm quan mà chỉ ở nhà dạy học vì cho rằng nước đã mất làm quan cũng như làm nô lệ.
 
Từ bé, Hồ Viết Thắng được ông nội dạy chữ Nho. Đến năm 15 tuổi thì cậu lén học chữ Quốc ngữ ở trường làng. Ông nội biết nhưng vì lúc đó đã già yếu nên cũng lơ đi. Sau ngày cụ Cử Tư qua đời, năm 1933 Hồ Viết Thắng bắt đầu học chữ Quốc ngữ và tham gia hoạt động cách mạng qua hai người thầy là Phan Hữu Thờm và Nguyễn Xuân Vịnh. Đây là hai Đảng viên Cộng sản từ năm 1930.
 
Năm 1939, Hồ Viết Thắng được đứng trong hàng ngũ Đảng, sau đó ông đến thôn Yên Thống (nay là xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu) hoạt động, xây dựng cơ sở và làm Bí thư chi bộ. Đầu năm 1940, ông được Ban Chấp hành Phủ uỷ Diễn Châu giao cho nhiệm vụ củng cố 3 chi bộ Vạn Phần, Tiền Song, Nam Khoán vừa mới bị phá vỡ.
 
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim ra lệnh thả tù chính trị. Hồ Viết Thắng được thả khỏi nhà lao Buôn Ma Thuột sau 6 năm ngồi tù của bản án 18 năm khổ sai. Ông mau chóng về quê bắt liên lạc lại với tổ chức, phát triển Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị khởi nghĩa tại quê nhà.
 
Ngày 17-8-1945, tức ngày 10-7 năm Ất Dậu, đúng phiên chợ Cầu Giát, nhân dân Quỳnh Lưu khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.Hồ Viết Thắng làm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời huyện Quỳnh Lưu (Chủ tịch là ông Nguyễn Xuân Mai). Từ tháng 9-1945, ônglần lượt được đề bạt làm Bí thư Huyện ủy lâm thời huyện Quỳnh Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Tháng 11-1947, Hồ Viết Thắng được chỉ định làm Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Lúc đó, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính là Đặng Thai Mai, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính là Đặng Việt Châu, Chủ tịch tỉnh Mặt trận Việt Minh tỉnh là Tôn Quang Phiệt, quân sự do tướng Nguyễn Sơn chỉ huy. Đây đều là những trí thức tài ba của đất nước. Nhờ được làm việc gần với những bậc đàn anh trình độ văn hóa uyên bác mà sau này ông Hồ Viết Thắng kể lại với con cháu, kiến thức văn hóa của bản thân ông được nâng lên. Chỉ làm Bí thư Tỉnh ủy hơn một năm, nhưng Hồ Viết Thắng - bí danh là Trọng Dân - đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân tỉnh thời bấy giờ.
 
Sau hơn một năm làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tháng 5-1948, ông được điều lên làm Phó Bí thư Khu ủy Khu IV. Nhờ thành tích giải quyết tốt vấn đề nông dân trong việc xây dựng hậu phươngtháng 8-1949 Hồ Viết Thắng được điều ra cơ quan Trung ương ở chiến khu Việt Bắc làm Trưởng Ban Nông vận Trung ương; Bí thư Hội Nông dân cứu quốc Việt Nam. Mới 31 tuổi, được giao trọng trách có thể coi như là chìa khóacủa kháng chiến, điều này thể hiện sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ông.
 
Nhờ những thành công trong công tác tập hợp và vận động nông dân, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 3 năm 1951), Hồ Viết Thắng được bầu Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (đến năm 1954 làm Ủy viên chính thức).
 
Bảo táp cải cách ruộng đất
 
Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam được tiến hành từ 1953 đến 1956. Nhìn lại sau hơn 60 năm, có thể ví đây là một giai đoạn bão táp trong lịch sử của nông thôn Việt Nam. Dư chấn của Cải cách ruộng đất cho đến hôm nay vẫn còn hằn đậm trong ký ức nhiều con người.
 
Ông Hồ Viết Thắng là người thay mặt Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lúc đó, chịu trách nhiệm nặng nề nhất trước nhân dân.Lịch sử hơn 60 năm đi qua, lật giở lại những tư liệu lịch sử thành văn thời đó có những điều cần được làm rõ hơn. Thời gian, theo cách nói của ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam, như thứ thuốc hiện hình.
 
Là một Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Trưởng Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Nông lâm, từ tháng 7 năm 1954, ông Hồ Viết Thắng được giao trách nhiệm là Phó ban, trực tiếp phụ trách cơ quan Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương.
 
Ủy ban Cải cách ruộng đấtTrung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng Ban. Tổng Bí Thư Trường Chinh là Phó Ban,nhưng phụ trách Đảng tổ Cải cách ruộng đất, là người cao nhất về Đảng lãnh đạo công cuộc Cải cách ruộng đất. Hai Ủy viên Bộ Chính trị là Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương trực tiếp chỉ đạo.
 
Từ đợt 2, Hồ Viết Thắng được giao nhiệm vụ là Ủy viên thường trực điều hành công việc hàng ngày. Thành viên Uỷ ban Cải cách ruộng đấtTrung ương có một số Ủy viên Bộ Chính trị, người đứng đầu các Ban ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
Cải cách ruộng đấtđem lại những kết quả mang tính chiến lược song Cải cách ruộng đất cũng phạm phải những sai lầm nghiêm trọng.Để lấy lại lòng tin của nhân dân, Đảng Lao động Việt Nam triển khai ngay hai việc: Một là thi hành kỷ luật những người trực tiếp chỉ đạo và điều hành công cuộc Cải cách ruộng đất. Hai là tiến hành sửa sai.
 
Ngày 18-8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm Cải cách ruộng đấtvà cho biết Trung ương đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm các sai lầm. Tại Hội nghị Trung ương 10 (1956) đã thông qua quyết định thi hành kỷ luật những người trực tiếp chỉ đạo công cuộc Cải cách ruộng đất. Ông Trường Chinh, với tư cách là người chỉ đạo cao nhất, thôi chức Tổng Bí thư. Ông Hoàng Quốc Việt, người trực tiếp chỉ đạo Cải cách ruộng đất, thôi Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Lê Văn Lương rút khỏi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và đưa xuống làm Ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương. Ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, công khai xin lỗi trước toàn dân. Quan điểm của người là: “Một đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có và tìm mọi cách mà sửa chữa khuyết điểm đó.Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
 
Sau khi nhận kỷ luật, ông Hồ Viết Thắng trở thành chuyên viên Văn phòng Trung ương Đảng. Năm 1958, ông được phân công về phụ trách trường Hợp tác xã nông nghiệp Trung ương thuộc Ban Công tác nông thôn Trung ương. Gia đình ông Hồ Viết Thắng tất cả 9 nhân khẩu và gia đình ông Hoàng Du, nguyên là Chánh Văn phòng Ủy ban Cải cách ruộng đấtTrung ương, dọn ra ở xóm lao động bãi Nghĩa Dũng, ngoài đê sông Hồng.
 
Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu nhớ lại: Hai gia đình ở trong ba gian nhà tranh không điện, không máy nước. Dù khó khăn nhưng ông Hồ Viết Thắng và vợ (bà Hồ Thị Tỷ) vẫn giữ vững tinh thần, giữ vững nề nếp gia đình. Ông không hề bi quan tỏ ra oán trách bất kỳ ai. Trong những ngày đó, một số người tránh ông, nhưng vẫn còn nhiều người bạn thường xuyên đến động viên thăm hỏi ông.

Trở lại làm Bộ Trưởng 
 
Tháng 6/1961, sau một khóa học tại trưởng Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, ông Hồ Viết Thắng được bổ nhiệm làm Ủy viên, rồi Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch &Đầu tư). Ông làm Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Chủ nhiệm cơ quan này trong suốt hơn 20 năm. 
 
Tháng 3-1979, đang là thành viên Đoàn chuyên gia kinh tế văn hóa giúp Chính phủ Campuchia, ông được gọi về nhận nhiệm vụ mới.ÔngNguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị tiếp đón và thông báo cho ông biết Trung ương vừa quyết định bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Bộ Lương thực Thực phẩm. Xét thấy mình đã hơn 60 tuổi nên ông Hồ Viết Thắng từ chối: “Tôi đã có khuyết điểm, nhiều người trách móc, vả lại tuổi đã cao, e không còn sắc sảo. Từ trước đến nay, tôi chưa hề từ chối nhiệm vụ Đảng giao, tuy nhiên, việc này, xin anh giao cho người khác”.
 
Ông Nguyễn Duy Trinh nói:“Giao anh làm việc này, Trung ương đã cân nhắc nhiều. Thường khi bổ nhiệm một đồng chí nào đó nhận trách nhiệm mới, thì có trao đổi trong một số đồng chí trong Bộ Chính trị. Nhưng trường hợp của anh, Bộ Chính trị đã phải hỏi gần hết các thành viên”.
 
Lý do đề cử ông Hồ Viết Thắng làm Bộ trưởng Bộ Lương thựcThực phẩm, theo ông Nguyễn Duy Trinh đó là: Lương thực gắn với nông nghiệp mà ông Hồ Viết Thắng đã có hiểu biết rất nhiều về nông nghiệp; Lương thực gắn với hầu hết các địa phương mà ông Hồ Viết Thắng đã đi tìm hiểu hầu hết các địa phương; Bộ Lương thực Thực phẩm đoàn kết nội bộ chưa thật tốt nên với uy tín của ông Hồ Viết Thắng khi sang đó tình hình sẽ được giải quyết tốt.
 
Nghe vậy, ông không thể từ chối.Ông làm Bộ trưởng Bộ Lương thực Thực phẩm chưa đến hai năm.Trong hai năm ấy, ông giao cho một Thứ trưởng giúp lo các vấn đề về thực phẩm, để mình tập trung vào việc giải quyết lương thực, một vấn đề cấp bách của đất nước, và vấn đề củng cố nộ bộ.Tháng 12-1980, khi đã 62 tuổi, Bộ Lương thực Thực phẩm tách thành Bộ Lương thực và Bộ Công nghiệp Thực phẩm, ông trở lại Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước. Đầu năm 1983, ông Hồ Viết Thắngchính thức nghỉ hưu ở tuổi 65.
 
Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu kể lại, trong suốt quá trình công tác, dù hoàn cảnh nào, cha ông cũng không bao giờ bỏ thói quen học tập.Đọc rất nhiều, nhờ đó ông Hồ Viết Thắng có kiến thức rộng hỗ trợ cho công việc của mình.Về Ủy ban Kế hoạch nhà nước hay ở Bộ Lương thực Thực phẩm, ông đều phụ trách ngành liên quan đến nông nghiệp và nông thôn như trước đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó. Với đức tính xông xáo vốn có, ông đi xuống các địa phương để nghiên cứ sâu tình hình thực tế. Ông đã đến tất cả các huyện, hầu hết các xã trên đất nước nên nắm rất chắc tình hình nông nghiệp và nông thôn để chỉ đạo các hoạt động trong phạm vi mình phụ trách.
 
Khi trở lại làm cán bộ cao cấp cũng là lúc đất nước đang rất khó khăn. Dù ở cương vị nào, ông Hồ Viết Thắng cũng giữ nghiêm đức tính liêm khiết.“Đôi khi như gàn, vốn là đức tính cố hữu của các ông Đồ xứ Nghệ”, Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu chia sẻ.
 
Cái quan định luận
 
Cải cách ruộng đất là một sự kiện đặc biệt gắn với ông Hồ Viết Thắng. Các con ông cũng muốn biết bản chất sự việc ở cấp Trung ương là như thế nào. Khi ông nghỉ hưu, có một khoảng thời gian yên bình để nhìn lại cuộc đời đầy thăng trầm của mình. Các con đề nghị viết hồi ký, để nói lên những điều chưa ai biết nhưng ông nói thác: “Sức khỏe thầy dạo này không tốt, thầy muốn nghỉ ngơi”. Thậm chí, chính Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu đang công tác ở Văn phòng Bộ Quốc phòng nói với cha: “Thầy không có sức viết thì con để máy ghi âm ở nhà, khi nào có hứng thì thầy kể chuyện vào đó, con sẽ bóc băng viết lại cho thầy duyệt”. Ông cũng không đồng ý.
 
Một người bạnthân là ông Phan Hữu Thịnh đề nghị viết hồi ký thì ông trả lời rõ ràng: “Tôi cho rằng hồi ký của một người không chỉ lưu hành trong phạm vi gia đình mà còn có thể lây lan ra ngoài. Mà hồi ký của ai cũng ít nhiều bị cho là “tự đánh bóng mình”. Cuộc đời tôi tuy phần nào có sự đóng góp cho cách mạng, cho xã hội nhưng cũng phạm một số sai lầm cho sự nghiệp chung, nên lại càng không muốn viết hoặc nói lại. Thôi, “cõi thế vốn là công bằng”, vậy nên muốn giành lại cho công luận đánh giá”.
 
Ông Hồ Viết Thắng nhẹ nhàng ra đi vào ngày 21-8-1998 (tức ngày 30-6 năm Mậu Dần), hưởng thọ 80 tuổi. Ngày 25-8-1998 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, lễ tang ông được tổ chức theo nghi thức lễ tang Nhà nước.
 
Ông Nguyễn Mạnh Cầm, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đọc lời điếu vĩnh biệt, có đoạn viết: “Với 80 tuổi đời, trong đó 62 năm hoạt động Cách mạng sôi nổi, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, dù được giao bất cứ nhiệm vụ gì, dù bất cứ cương vị nào, đồng chí Hồ Viết Thắng cũng một lòng một dạ vì sự nghiệp Cách mạng của Đảng và của nhân dân, không quản khó khăn, không nề gian khổ, luôn luôn phấn đấu hết sức mình kiên trì học tập, nâng cao trình độ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng giao phó”.