Trong cuộc tọa đàm "Cân bằng dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao" do Báo điện tử VTC News tổ chức, HLV Mai Đức Chung và nữ cầu thủ Hoàng Thị Loan đã đề cập đến vấn đề dinh dưỡng thể thao, dưới góc độ của người làm công tác huấn luyện và thi đấu chuyên nghiệp.
Bên cạnh những yếu tố như thi đấu, tập luyện, thì dinh dưỡng là khía cạnh quan trọng mà thể thao Việt Nam cần chú trọng, qua đó giúp vận động viên đảm bảo sức khỏe, đạt thành tích cao hơn trong thi đấu và tập luyện.
Đầu bếp nước ngoài khen mì Việt Nam
"Nói đến mì, tôi nhớ ra cách đây nhiều năm, khi tôi dẫn U22 Việt Nam đá giao hữu quốc tế ở Italy, các cầu thủ sang đó không ăn được bơ sữa, chỉ mang thùng mì đi.
Đầu bếp ở bên đó nhìn cầu thủ mình ăn xong rồi, họ hỏi xin tôi ăn thử 1 gói mì tôm. Khi tôi mang gói mì xuống thì họ đổ nước sôi vào, bảo mì ở đất nước các ông thơm và ngon thế", HLV Mai Đức Chung kể lại câu chuyện đầu bếp ở Italy khen mì Việt Nam thơm ngon, dễ ăn.
Hình ảnh các vận động viên nam, nữ mang mì trong các chuyến tập huấn, thi đấu xa nhà không phải hiếm với thể thao Việt Nam. Với vận động viên ở một số nước, mì cũng là người bạn đồng hành. Tiến sĩ Supitr Samahito, phó Đoàn Thể thao Thái Lan tiết lộ hành lý của các vận động viên mang sang Việt Nam dự SEA Games 31 có tới 100 thùng mì.
Những món dễ ăn, đậm vị quê hương và kích thích vị giác là lựa chọn thân thuộc và an toàn với các vận động viên. Theo HLV Mai Đức Chung, có những cầu thủ mang mì, mang cà, mắm, ruốc,... sang nước ngoài để vơi nỗi nhớ món ăn ở quê nhà. Đây cũng là phương án dự phòng trong trường hợp vận động viên không hợp với đồ ăn nước ngoài.
Tuy nhiên, dinh dưỡng cho người tập luyện thể thao có đặc thù khác với người bình thường. Vấn đề của vận động viên Việt Nam, không phải chuyện ăn mì, socola, hay uống sữa, mà cần phải được tư vấn đầy đủ về dinh dưỡng.
Ở thời điểm nào, trong giai đoạn tập luyện nào thì nên ăn món gì, hay những cầu thủ với cơ địa đặc trưng sẽ phù hợp với những món ăn này để tăng cường sức mạnh, sức bền. Đó là những khía cạnh đặc thù trong dinh dưỡng thể thao mà ở Việt Nam, các đội tuyển đang rất thiếu những chuyên gia giỏi để tư vấn cho vận động viên.
Bài toán chuyên gia
"Đội thể thao nào cũng phải có bác sĩ về dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ đưa ra thực đơn hàng ngày, nếu không thiết kế được thực đơn cho từng VĐV thì thiết kế cho cả đội cũng được, không thể ăn theo cảm tính vì như thế không đủ chất được", HLV Mai Đức Chung chia sẻ.
Không ít các đội tuyển thể thao đang thiếu những chuyên gia dinh dưỡng để có thể nghiên cứu chế độ ăn cho cá nhân vận động viên. Theo ông Chung, dinh dưỡng là vấn đề cần phải lượng hóa, tức là cần bổ sung chất nào, hàm lượng bao nhiêu, trong những món ăn gì, từ đó mới có thể thiết kế thực đơn các bữa cho vận động viên.
Ở đội tuyển nữ Việt Nam, các vận động viên không có chế độ ăn uống đặc thù với từng cá nhân. "Vận động viên có tiêu chuẩn ăn uống là 500.000 đồng/ngày, nhưng chưa có tiêu chuẩn dinh dưỡng từng cho cá nhân. Ở đội tuyển nữ, chúng tôi chia các bữa ăn theo mâm, gồm 6 người/mâm.
Mỗi mâm hôm nào nhiều thì có 5,6 món, có những món như thịt gà, cá rán, rau xào, canh, hoa quả, mâm nào cũng như mâm nào, thường không phân biệt được", HLV Mai Đức Chung nói thêm.
Chia sẻ với báo chí, HLV Gong Oh-kyun của U23 Việt Nam cũng nêu quan điểm: "Mọi cầu thủ đều phải có ý thức về vấn đề dinh dưỡng. Tôi đã và đang trao đổi điều đó với các cầu thủ. Trong bóng đá, chuyện ăn uống rất quan trọng vì nó liên quan chặt chẽ đến tập luyện và thi đấu.Các cầu thủ phải biết đồ ăn nào tốt và không tốt cho công việc của mình. Sau này có dịp, tôi sẽ đề xuất với việc thuê hẳn chuyên gia dinh dưỡng".
Bên cạnh chuyên gia dinh dưỡng, các vận động viên cũng có thể tiếp cận với những món ăn giàu dinh dưỡng, chất xơ, phù hợp với người tập luyện thể thao, trong đó có món mì mà không ít vận động viên luôn xem như bạn đồng hành ở những chuyến đi xa nhà.
Điều quan trọng là vận động viên phải tiếp cận được những sản phẩm chất lượng, tư vấn phù hợp và hiểu được cơ thể đang cần nạp những năng lượng nào để có thể bổ sung tốt nhất.
"Khoảng 10 năm nay ngành sản xuất mì ăn liền rất tiến bộ. Dầu trong mì ăn liền có chất béo dạng trans bằng không, tốt hơn nhiều so với đồ ăn ở nhà. Về khẩu phần và tính cân đối, trước đây mì ăn liền chủ yếu là bột thôi nhưng bây giờ lượng protein tương đương 30g thịt, có thêm vi khoáng nữa và đặc biệt là an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nếu mà hợp lý thì ta sử dụng cho bữa phụ và cố gắng thêm rau vào. Quan trọng là phải có vitamin và chất xơ. Mì ăn liền chịu trách nhiệm quá lớn trên vai vì người ta muốn nó trở thành bữa hoàn chỉnh. Mì kết hợp với rau, trứng có thể trở thành một món ăn chấp nhận được trong các đợt thi đấu.
Vừa qua chúng tôi làm đề tài nghiên cứu khoa học trong 2 năm để phát triển công thức mới, để có loại mì đầu tiên của Việt Nam có vi chất, trong đó đưa lượng protein lên, đưa canxi, magie, kém và một số vitamin vào. Vi khoáng rất quan trọng, liên quan đến sức bền và sự mạnh mẽ. Các vi khoáng như vậy được đưa vào dựa trên bằng chứng khoa học, tiêu chuẩn quốc tế.
Trước SEA Games vừa rồi, có những hợp đồng tài trợ của Acecook cho đội tuyển bóng đá. Dần dần, những sản phẩm ấy đồng hành với các bạn trong quá trình ra nước ngoài thi đấu để đề phòng trong trường hợp cần thiết thì vẫn có một bữa ăn tốt. Chúng tôi hi vọng đóng góp một phần rất nhỏ trong nỗ lực chung của đoàn thể thao", TS. BS Trương Hồng Sơn chia sẻ.