Quyết định quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh được công bố sáng 28/5 tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh. Đây là bản quy hoạch tỉnh thứ hai trên toàn quốc được xây dựng, phê duyệt theo Luật Quy hoạch.
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước. Địa phương sẽ hướng đến phát triển ổn định, bền vững các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại.
Trong định hướng tạo đột phá còn có ba trung tâm đô thị lớn, gồm đô thị xung quanh TP Hà Tĩnh, kết nối với thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà), thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên) và thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà). Trung tâm đô thị phía bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân (huyện Nghi Xuân) và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với khu kinh tế Vũng Áng.
Bốn ngành trọng điểm để tạo đột phá cho Hà Tĩnh gồm công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo thép và sản xuất điện; nông lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Ba hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển. Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu Treo. Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía tây gắn với đường Hồ Chí Minh.
Tỉnh cũng sẽ đầu tư, tạo động lực tăng trưởng trung tâm tại Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ chuyển đổi cơ cấu và hiện đại hóa ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng phát huy lợi thế của các địa phương, các vùng sinh thái; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhấn mạnh quy hoạch được Chính phủ phê duyệt giúp các ngành, địa phương nhìn nhận rõ tiềm năng, thế mạnh, từ đó xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thời gian qua một số nhà đầu tư chiến lược đã tìm hiểu địa bàn nhưng chưa thực hiện được dự án vì chờ quy hoạch tỉnh.
"Hà Tĩnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương. Tỉnh kỳ vọng các nhà đầu tư với năng lực của mình, đưa các dự án trở thành hiện thực, đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư", ông nói.
Lần này, Hà Tĩnh cũng trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng và trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư với các dự án về các lĩnh vực có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 200.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quy hoạch tỉnh là cơ sở để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ.
Địa phương cũng cần đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và một trung tâm động lực tăng trưởng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, để người dân thực sự được thụ hưởng từ thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển....
Hà Tĩnh có diện tích đất tự nhiên gần 6.000 km2, dân số đến cuối năm 2019 là 1.2 triệu người, chiếm 1,33% dân số cả nước. Tỉnh có 13 đơn vị hành chính (một thành phố, 2 thị xã và 10 huyện). Phía bắc tiếp giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía tây giáp Lào với 164,448 km đường biên giới, phía đông là Biển Đông.
Theo Phạm Trường - zingnews.vn