Thông tin nhiều trường hợp F0 ở TP. Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn có diễn biến nặng, thậm chí tử vong khiến nhiều người lo lắng. Thông tin này khiến một số người hiểu sai về hiệu quả của vaccine là dấy lên luồng ý kiến tiêu cực, kêu gọi không tiêm vaccine COVID-19 (anti vaccine).

Trao đổi với Zing, chuyên gia nhấn mạnh việc F0 có bệnh nặng, tử vong dù tiêm vaccine không phải tình huống bất thường hay phản ánh vaccine kém hiệu quả.

TP. Hồ Chí Minh là chứng thực rõ ràng nhất về hiệu quả của vaccine

Singapore là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên mở cửa kinh tế sau khi trên 80% dân số tiêm đủ liều vaccine. Quốc gia này có số dân ít hơn TP. Hồ Chí Minh, dù vậy, mỗi ngày, số ca nhiễm mới vẫn ở mức gấp đôi, gấp 3 lần so với thành phố.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế Singapore, trong 28 ngày qua, 98,7% các trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong ngày 11/11, Singapore có 8 ca tử vong do COVID-19. Tất cả đều trên 74 tuổi, có nhiều bệnh lý nền khác nhau.

Từ số liệu thống kê ở Singapore, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh nhờ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, tình hình dịch ở thành phố có sự thay đổi rõ rệt.

PGS Dũng nhấn mạnh: Mục đích chính của vaccine COVID-19 không phải là làm giảm số mắc mà làm giảm số ca chuyển nặng hay giảm số tử vong.

Ông cũng lý giải thêm tuy vaccine làm giảm nguy cơ bệnh nặng, tử vong nhưng vì TP. Hồ Chí Minh có nhiều người tiêm vaccine nên chúng ta thấy số người tiêm vaccine bị bệnh nặng và bị tử vong nhiều .

Điều này cũng đúng ở Việt nam và Singapore (là quốc gia có chương trình tiêm chủng vaccine đạt độ phủ tương tự TP. Hồ Chí Minh và việc quản lí chất lượng tiêm vaccine được xem là tốt).

PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh khi hiểu được vấn đề này, người dân không nên hoang mang, bởi vaccine thực sự có hiệu quả giảm tử vong nhưng cũng không nên chủ quan, vì nó không triệt tiêu người tử vong .

Chính quyền đã biết điều này nên không áp dụng các biện pháp chống dịch ở mức độ cao như trước đây, nhưng vẫn giám sát việc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch ở người dân, cơ quan, xí nghiệp.

Ông dẫn chứng số liệu thống kê đến cuối tháng 9, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 12.753 người tử vong do COVID-19. Trong đó, số lượng người trên 65 tuổi qua đời là 6.606. Trong khi đó, chỉ có 9 trẻ em (từ 12-17 tuổi) tử vong. Trong khi ở giai đoạn này, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung tiêm vaccine cho người cao tuổi, chưa tiêm cho trẻ em.

“Nếu lúc đó, TP. Hồ Chí Minh có đủ vaccine và dồn vaccine cho trẻ em mà không tiêm cho người lớn, thì cứu được 9 em và số chết của người cao tuổi sẽ cao hơn con số 6.606 rất nhiều”, PGS Dũng nói.

Ông phân tích trong giai đoạn đầu dịch, số ca nhiễm mới tại thành phố tăng liên tục. TP. Hồ Chí Minh phải áp dụng liên tiếp nhiều biện pháp quyết liệt, từ giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, áp giờ giới nghiêm, kêu gọi ai ở đâu thì ở yên đó, đóng cửa toàn bộ hàng quán ăn uống... Sau khi tỷ lệ tiêm vaccine đạt độ phủ cao, số ca bệnh mới lẫn ca bệnh nặng càng giảm dần.

Chuyên gia Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhận định: Người già là trường hợp có nguy cơ cao khi mắc COVID-19 nên cần bảo vệ bằng tiêm chủng và 5K.

Gia đình có người người lớn phải chủ động bảo vệ người già bằng cách thực hiện tốt 5K và phát hiện bệnh sớm để cách ly kịp thời. Xã hội phải bảo vệ người già, trường hợp có nguy cơ cao bằng cách tiêm mũi tăng cường cho họ sau 6 tháng.

dsc-5362-zing-1636703181.jpg
Đến đợt tiêm chủng lần 5 (giữa tháng 7), TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền. Trong hình, cụ bà hơn 70 tuổi ở TP Thủ Đức được tiêm vaccine Moderna. Ảnh: Duy Hiệu.

Vaccine không giúp miễn dịch 100%

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), cho biết đối với bệnh truyền nhiễm, miễn dịch cộng đồng rất quan trọng. Mức độ miễn dịch cộng đồng có được là nhờ người khỏi bệnh và tỷ lệ tiêm vaccine.

COVID-19 cũng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người nên nó cũng chịu quy luật này.

“Mục đích của tiêm vaccine là để giảm số ca bệnh trong cộng đồng chứ không phải không còn bệnh. Vaccine khiến việc lây lan giảm đi chứ không thể ngăn chặn triệt để và giúp người bệnh không bị nặng chứ không phải miễn nhiễm với virus”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Chuyên gia này phân tích thêm tỷ lệ tiêm vaccine dù cao đến mấy cũng không thể có được miễn dịch cộng đồng bền vững. Vaccine cũng không thể giúp miễn dịch 100%.

Do đó, sau khi tiêm vaccine đủ tỷ lệ dân số nhất định và bảo vệ được người có nguy cơ cao (lớn tuổi, bệnh nền) thì địa phương phải mở cửa để tạo thêm miễn dịch cộng đồng bền vững.

dsc-0569-zing-1636703299.jpg
Nam bệnh nhân trẻ tuổi đang điều trị tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức phụ trách (ngày 16/8). Người này đã tiêm một liều vaccine và có triệu chứng rất nhẹ. Ảnh: Duy Hiệu.

"Nhiều người bệnh mà không triệu chứng hoặc rất ít người có tình trạng nặng thì càng có miễn dịch cộng đồng bền vững", ông nhấn mạnh.

Từ những phân tích này, bác sĩ Khanh đề nghị đối với địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine đủ 2 liều cho người dân cao, việc đếm số ca nhiễm không còn ý nghĩa quan trọng.

Việc truy vết, cách ly F0, F1 như trước đây cần được thay thế bằng truy vết người có nguy cơ cao bị lây nhiễm vào bảo vệ họ, nếu chưa tiêm vaccine thì nhanh chóng tiêm đủ liều cho họ.

“Đối với địa phương đã tiêm đủ vaccine, khi thấy số ca F0 tăng hay người đã tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19, thì người dân không nên quá sợ hãi. Tuy nhiên, ở địa phương chưa tiêm đủ vaccine, tình trạng này lại rất nguy hiểm”, bác sĩ Khanh kết luận.

Trong khảo sát cắt ngang ngày 5/10 thể hiện mối tương quan giữa tiền sử tiêm vaccine và mức độ bệnh nặng của 349 F0 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, cho thấy ở nhóm F0 được tiêm đủ 2 mũi vaccine, tỷ lệ bệnh nhẹ là 88%.

Trong khi đó, số người chưa tiêm vaccine, tỷ lệ bệnh chuyển nặng cao đến 74%, trong đó 109 ca nặng, 54 người thở máy xâm lấn, 3 ca ECMO.

Tính riêng huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), trong 2 tuần từ 23/10 đến 5/11, tổng cộng có 6.712 ca F0. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và cần chuyển viện là 21 người, chiếm tỷ lệ 0,31%. Số ca tử vong là 4, chiếm tỷ lệ 0,06%.

Tại thị trấn Hóc Môn, cùng thời gian này ghi nhận 167 ca F0, hầu hết không triệu chứng và dấu hiệu nhẹ. Trường hợp bệnh nặng có 2 người là cụ bà và người có bệnh nền không tiêm được vaccine./.