t-1690861274.PNG
Nghệ An là tỉnh có đàn vật nuôi lớn, do đó cần sự nhập cuộc của hệ thống thú y chân rết để quản lý, giám sát hiệu quả. Ảnh: Việt Khánh.

Nhanh quá hóa chậm

Thời gian qua, Ngành NN-PTNT Nghệ An đã tiến hành thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo chủ trương chung. Với cơ quan sở đã giảm 1 phòng, giảm 3 chi cục, sáp nhập 8 Hạt kiểm lâm thành 4 Hạt kiểm lâm liên huyện, giảm từ 21 Hạt kiểm lâm xuống còn 17 Hạt kiểm lâm, giảm 3 đơn vị sự nghiệp.

Ngoài ra, đã chuyển tổng cộng 69 trạm nông nghiệp về UBND cấp huyện để thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Trái ngược với kỳ vọng, qua 3 năm đi vào hoạt động “bộ máy” mới vận hành không thật trơn tru, đến nay đã xuất hiện nhiều rào cản, vướng mắc. Đây cũng không riêng gì Nghệ An. Các tỉnh đã "khắc nhập" kiểu này đến nay đều rối như tơ vò trong hoạt động chuyên môn.

Tại Nghệ An, qua rà soát của ngành, thấy rằng một số chủ trương, chính sách, quy định còn chồng chéo, chưa đồng nhất. Dù rất cấp bách nhưng Trung ương chưa bổ sung, chỉnh sửa kịp thời các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy, thậm chí thiếu cơ sở pháp lý để thực thi, thành thử việc “vận dụng” còn bị động, lúng túng.

Lấy ví dụ, theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 - Khóa XII thể hiện hợp nhất các trạm nông nghiệp cấp huyện (Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Khuyến nông, Ban phát triển nông thôn miền núi) thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện. Trong khi đó, áp dụng theo Luật Thú y và Luật Kiểm dịch và Bảo vệ thực vật thì các Trạm này lại trực thuộc… Chi cục cấp tỉnh.

ttt-1690861325.PNG
Nhiều Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tại Nghệ An hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Ảnh: Quốc Toản.

Sở NN-PTNT Nghệ An đánh giá việc hợp nhất các trạm thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do đây là mô hình mới, hơn nữa chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của các cơ quan Trung ương.

Sau hợp nhất công tác nắm bắt thông tin, cập nhật dữ liệu, xử lý và chỉ đạo chưa thực sự xuyên suốt, chưa kịp thời. Ngược lại, nhân lực tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sau khi “cắt giảm đầu mối” tựu chung rất mỏng, khó cáng đáng được nhiệm vụ chuyên môn đặt ra, nhất là tại địa bàn rộng, trải dài với hệ thống cây trồng, vật nuôi đa dạng, dày đặc.

Bất cập ra sao cứ nhìn vào thực trạng ngành chăn nuôi, thú y sẽ thấy. Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước với hơn 790.000 con trâu, bò, hơn 970.000 con lợn, hơn 33 triệu con gia cầm, chưa kể diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 20.000ha.

Chưa dừng lại ở đấy, Nghệ An có nhiều tuyến giao thông chính đi qua, hoạt động giao thương buôn bán động vật diễn ra thường xuyên, liên tục. Trên địa bàn có nhiều chợ buôn bán gia súc, gia cầm, trong khi hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm phần lớn… Xuất phát từ lý do trên, để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, bên cạnh sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị thì vai trò của đội ngũ “chân rết” tại các huyện khó có thể đong đếm.

Trước đây, hệ thống thú y cơ sở hoạt động theo đúng quy định của Luật Thú y, đúng chuyên ngành, đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản.

Sau khi hợp nhất về mái nhà chung, đà phát triển không tỷ lệ thuận theo, trái lại nảy sinh muôn vàn vấn đề.

Có thể liệt kê như: Người lao động được phân công theo dạng kiêm nhiệm, khó đảm bảo công tác chuyên sâu; trung tâm không có chức năng quản lý nhà nước về thú y; khó triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại cơ sở; công tác báo cáo dịch bệnh từ cơ sở đến cấp tỉnh chậm do qua nhiều tầng nấc trung gian, không đảm bảo tính cấp bách, khẩn trương…

Không muốn kéo dài tình cảnh đêm dài lắm mộng, ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 414/QĐ-TTg, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt, thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó lấy nhiệm vụ “khôi phục hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện, lộ trình thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025” làm điểm nhấn.

Hết nhập lại tách, sau bao năm Nghệ An vẫn đang loay hoay trong bài toán sắp xếp tổ chức bộ máy ngành nông nghiệp. Chủ trương thiếu bền vững, thiếu tầm nhìn đang đẩy toàn ngành vào thế khó.

m-1690861364.PNG
Áp lực trong công tác giám sát, theo dõi, xử lý dịch bệnh thú y luôn thường trực. Ảnh: Việt Khánh.

Khó từ trong khó ra

Ngày 5/8/2020 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc trên cơ sở hợp nhất các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú Y, Khuyến nông huyện.

Sau 3 năm nhìn lại, thấy rằng Trung tâm đang đối diện với bộn bề gian khó, những rào cản vô hình như bức tường thành án ngữ trước mắt, bí bách đến nỗi muốn tiến chẳng được mà lùi cũng không xong.

Cha ông đã đúc kết “an cư mới lạc nghiệp”, vận vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc xem ra không sai. Dù đã tiến hành sát nhập 3 năm rồi nhưng đơn vị này chẳng ổn định được nơi ăn chốn ở, huyện Nghi Lộc chưa thể bố trí vị trí, địa điểm hoạt động phù hợp.

Ở trong chăn mới biết chăn có rận, hiểu nằm lòng tình cảnh khốn khó nên ban lãnh đạo trung tâm chẳng màng mơ mộng những điều xa vời hòng cải thiện doanh thu, trước mắt chỉ biết động viên nhau gắng gượng, từng bước vượt qua nghịch cảnh.

Ông Võ Tá Long, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc bộc bạch: “Vẫn những con người đấy, vẫn từng ấy công việc nhưng cơ chế quản lý nhà nước chưa thực sự phù hợp. Hệ thống văn bản chưa đi kịp với công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, gần 3 năm qua chưa có bất kỳ văn bản chính quy nào của Bộ, ngành trung ương đề cập đến khía cạnh chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, điều này vô hình trung làm bó hẹp vai trò của Trung tâm.

8-1690861427.PNG
Thâm niên trong nghề gần 30 năm nhưng thu nhập hàng tháng của ông Cao Minh Hưng chỉ khoảng 6 triệu đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Đơn cử như những vụ việc liên quan đến công tác vận chuyển, kiểm tra, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật trên đường, trước đây Trạm Chăn nuôi và Thú y được Chi cục ủy quyền để kiểm tra và trực tiếp xử lý. Nay không còn nữa, mỗi khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng, Trung tâm chỉ có thể cử cán bộ kỹ thuật đến phối hợp, tham vấn cách thức chứ không đủ thẩm quyền để xử phạt độc lập”.

Vai trò ngày càng mờ nhạt đã đành, đến quyền lợi chính đáng cũng bị cắt giảm trông thấy. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc là đơn vị sự nghiệp có thu, về nguyên tắc người lao động sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, có điều do không có văn bản pháp quy thể hiện, hướng dẫn rõ ràng thành thử người được người không, bởi thế lắm lúc khó tránh khỏi chạnh lòng.

Cùng sinh hoạt, làm việc, cống hiến trong một môi trường chung nhưng có độ “chênh” nhất định về mặt quyền lợi, kết hợp thêm yếu tố vừa làm vừa ngóng, nay trực thuộc đơn vị này mai lại dưới quyền đơn vị khác khiến tâm lý của số đông thực sự bất an.

“Trung tâm có 4 bộ phận cùng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng chỉ 2 bộ phận được hưởng phụ cấp (thú y, bảo vệ thực vật), trong khi cán bộ khuyến nông và văn phòng, kế toán không có, bản thân tôi (vốn là cán bộ khuyến nông) cũng chẳng có. Biết là thiệt thòi cho một số anh em nhưng chúng tôi không thể vận dụng theo cảm tính”, ông Võ Tá Long xác nhận.

544-1690861474.PNG
Thuộc diện thu hút của tỉnh nhưng sau 13 năm ròng rã theo nghề, chị Phan Thị Hằng mới được vào biên chế. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Cao Minh Hưng, SN 1974 là 1 trong 4 cán bộ khuyến nông tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc. Với gần 30 năm trong nghề ông Hưng là người có thâm niên nhất cơ quan, bởi thế càng thêm phần chua chát. Do không có phụ cấp đi kèm, chỉ được hưởng độc lương “cứng” nên thu nhập hàng tháng khá bèo bọt, trừ bảo hiểm đi rồi chỉ thực nhận khoảng 6 triệu đồng mà thôi.

Thừa hiểu đồng lương còm cõi không đủ để trang trải cuộc sống thường nhật, nhưng xét thấy tuổi tác đã cao, sức khỏe, nhiệt huyết ngày một cạn vơi theo thời gian nên ông Hưng không tính đến phương án chuyển đổi hình thức nghề nghiệp. Thương phận mình nhưng chẳng thể làm gì khác, đó là bức bách chung.

Đề cập đến quyền lợi, chị Phan Thị Hằng, cán bộ khuyến nông kiêm bộ phận văn phòng tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc cũng đắn đo không kém.

Chị Hằng được đánh giá có năng lực, có chuyên môn, lại thuộc diện đối tượng thu hút của tỉnh. Tưởng chừng những lợi thế vượt trội sẽ mở ra nhiều cơ hội thăng tiến, nào ngờ diễn biến thực tế lại trắc trở đến không ngờ.

Suốt 10 năm ròng rã, từ 2012 - 2022 chị đau đáu an phận dưới dạng hợp đồng có thời hạn, mãi đến đầu năm 2023 mới chính thức được vào… biên chế.